Hỗ trợ cộng đồng

Khoa Dược  »  Nghiên cứu khoa học  »  Hỗ trợ cộng đồng


BỆNH DẠI (phần 1)

 

Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Bệnh thường lưu hành ở các nước thuộc khu vực châu Á và châu Phi. Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật). Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc xin dại cho cả người và

  1. Tác nhân gây bệnh

Virus dại thuộc họ Rhabdoviridae, giống Lyssavirus, có vật liệu di truyền là ARN, vỏ ngoài là lipid. Virus dại có sức đề kháng yếu, dễ bị bất hoạt bởi nhiệt độ; dễ bị phá hủy bởi các chất hòa tan lipid (xà phòng, ether, cloroform, aceton); rất nhạy cảm với tia cực tím và bị bất hoạt nhanh chóng trong dung dịch cồn, cồn iod.

Virus dại có kích thước 80 x180 nm gồm một chuỗi ARN, có hình trụ với một đầu có dạng hình nón và một đầu phẳng nên có hình như viên đạn.

Virus có 5 Protein (hình 1)

  • Glycoprotein (protein G) có trọng lượng phân tử 67.000, nằm ở màng bao quanh virus, màng này có những gai (spikes) dài từ 6-8 nm. Glycoprotein có vai trò kích thích tạo ra kháng thể trung hòa.
  • Nucleocapsid (protein N) có trọng lượng phân tử 56.000, hình thành từ lõi virus, có vai trò tạo ra kháng thể cố định bổ thể nhưng không tạo ra kháng thể trung hòa.
  • Viral Polymerase (L).
  • Phosphoprotein (P) có trọng lượng phân tử 38.000 là protein màng liên quan mật thiết đến nucleocapsid.
  • Protein M có trọng lượng phân tử 26.000 có liên quan đến lipoprotein quanh tế bào. 

 

Hình 1. Cấu tạo virus dại

  1. Dịch tễ

Khoảng 59.000 người tử vong hàng năm trên thế giới do bệnh dại. Trong đó, 95% số ca ở Châu Á và Châu Phi. 99% các trường hợp dại do chó truyền bệnh. Hiện nay, bệnh dại đã được loại trừ khỏi Tây Âu, Canada, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và một số quốc gia Mỹ Latinh... 

Châu Á: khoảng 35.172 người tử vong mỗi năm do dại, Ấn Độ chiếm 59,9%. Các báo cáo cho thấy khoảng 1.875 ca tử vong ở Trung Á và 229 ca tử vong ở Trung Đông do dại mỗi năm.  Châu Phi: Ước tính khoảng 21.476 ca tử vong mỗi năm do bệnh dại truyền từ chó. 

Tổng chi phí kinh tế của bệnh dại do chó gây ra ước tính là 8,6 tỷ đô la Mỹ. 

 

Hình 2. Phân bố tỷ lệ tử vong của bệnh dại do chó lây truyền trên thế giới năm 2017

Chú thích:

A: Số ca tử vong ở người do bệnh dại ở các quốc gia

B: Tỷ lệ tử vong theo đầu người (trên 100.000 dân); các quốc gia được tô màu xám-không có bệnh dại

3. Sinh bệnh học

Sau khi xâm nhập vào cơ thể qua vết cắn, virus dại tồn tại gần vết cắn này trong một thời gian rồi tăng sinh tại các tế bào cơ. Trừ khi bị bất hoạt bởi cơ chế tự nhiên hay cơ chế đề kháng chủ động, virus xâm nhập sợi trục của tế bào thần kinh ngoại biên; từ đây virus di chuyển hướng tâm đến hạch tủy sống, não bộ (hình 3). Virus dại lan tỏa ly tâm ngay khi nó đến hệ thần kinh trung ương để hiện diện trong các tế bào thần kinh toàn cơ thể và có thể phát hiện được virus bởi kháng thể huỳnh quang trên các tế bào giác mạc hay mẫu sinh thiết da.

Virus hiện diện ở nước bọt, nước tiểu, dịch não tủy. Virus tập trung nhiều nhất ở não: cuống não, hạch thần kinh đáy sọ, hồi hải mã và tiểu não. Virus còn hiện diện ở các mô như cơ xương, cơ tim, tủy thượng thận, thận, tụy tạng, sợi nhánh thần kinh ở các nang lông, tóc.

 

Hình 3. Sinh bệnh học của virus dại


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  93,697       1/855