Công trình khoa học đã công bố

Nghiên cứu khoa học  »  Công trình khoa học đã công bố


Giải pháp vượt rào cản chống bán phá giá hàng thủy sản xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam

 

GIẢI PHÁP VƯỢT RÀO CẢN CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ HÀNG THUỶ SẢN XUẤT KHẨU VÀO THỊ TRƯỜNG HOA KỲ CỦA CÁC DOANH THUỶ SẢN VIỆT NAM
 
Nguyễn Thị Bạch Tuyết (*)
 
 
1. Thực trạng vượt rào cản chống bán phá giá hàng thuỷ sản xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ của các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam.
  •     Thực trạng hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam thời gian qua
 
Thuỷ sản là một trong ngành kinh tế sớm lấy xuất khẩu làm hướng ưu tiên phát triển và hiện nay đang là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, năm 2007 Việt Nam đứng thứ 7 trong top 10 nước xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất thế giới. Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam qua các năm như sau : Năm 2005 đạt 2,737 tỷ USD; Năm 2006 đạt 3,358 tỷ USD tương đương tăng 22,7% so với năm 2005; Năm 2007 đạt 3,762 tỷ USD tương đương tăng 12,2% so với năm 2006; Năm 2008 đạt 4,562 tỷ USD tương đương tăng 21,26% so với năm 2007. Con số này giúp cho ngành thuỷ sản là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và xếp hàng thứ 4 trong các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam, đồng thời khẳng định thuỷ sản là ngành kinh tế hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích cho xã hội.
 
Tình hình xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường Hoa Kỳ của các doanh nghiệp Việt Nam từ năm 1997 đến năm 2007


2. Các giải pháp

  •             Nhóm giải pháp từ phía Nhà nước
 

a. Chính phủ tích cực đẩy mạnh quá trình chuyển đổi nền kinh tế để sớm được công nhận là nền kinh tế thị trường

Khi một nước bị coi là có nền kinh tế phi thị trường thì các nhà xuất khẩu của nước đó sẽ gặp phải sự bất lợi vô cùng lớn trong các cuộc điều tra chống bán phá giá do ba nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, việc sử dụng giá và chi phí sản xuất tại nước thay thế sẽ dẫn đến biên độ bán phá giá rất cao. Mức biên độ bán phá giá cao này gần như là chắc chắn, vì các nhà sản xuất tại nước thay thế đang cạnh tranh với các nhà xuất khẩu tại nước bị coi là nền kinh tế phi thị trường và do đó, sẽ không có lợi cho họ trong việc giảm thiểu việc tìm ra yếu tố bán phá giá của các nhà cạnh tranh của họ.

Thứ hai, việc sử dụng các số liệu của nước thay thế cũng dẫn đến việc nhiều lợi thế so sánh của nước có nền kinh tế phi thị trường không được xem xét trong quá trình điều tra và các doanh nghiệp của nước này bị áp dụng một mức thuế chống bán phá giá mà lẽ ra, có thể tránh được nếu được coi là một nước có nền kinh tế thị trường .

Thứ ba, việc lựa chọn nước thay thế nhiều khi rất tuỳ tiện. Pháp luật của các nước quy định không giống nhau về việc xác định nước thay thế. Ví dụ, theo pháp luật Hoa Kỳ thì nước thay thế là nước có nền kinh tế thị trường, có trình độ phát triển tương đương với nước bị kiện (chủ yếu dựa vào thu nhập quốc dân bình quân đầu người) và là nước sản xuất đáng kể mặt hàng tương tự như mặt hàng đang bị điều tra.

Cho đến nay, rất nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã và đang phải chịu nhiều thiệt thòi trong các cuộc điều tra chống bán phá giá vì toàn bộ số liệu về giá cả và chi phí sản xuất tại Việt Nam đều bị cơ quan điều tra của nước nhập khẩu từ chối xem xét. Chẳng hạn, trong vụ kiện chống bán phá giá philê cá da trơn từ Việt Nam vào Hoa Kỳ kết thúc tháng 7 năm 2003, Việt Nam bị coi là nước có nền kinh tế phi thị trường và Bangladesh được chọn là nước thay thế. Quyết định áp thuế được đưa ra sau khi DOC tính toán các sản phẩm philê của Việt Nam sẽ có giá thành bao nhiêu nếu cá nguyên liệu được nuôi ở một trang trại vùng Kishoregonj của Bangladesh với chi phí lao động mà cơ quan này cho là phổ biến ở Việt Nam căn cứ vào thu nhập bình quân đầu người lúc đó. Trong khi đó, đại đa số các nhà sản xuất/xuất khẩu philê cá da trơn của Việt Nam đều áp dụng quy trình sản xuất khép kín từ khâu ươm giống, nuôi cá, chế biến đến xuất khẩu, dẫn đến giá thành philê cá rất thấp. Tuy nhiên, yếu tố này đã không được DOC xem xét trong quá trình điều tra.

Như vậy, địa vị nền kinh tế phi thị trường của một quốc gia chắc chắn sẽ mang lại nhiều bất lợi cho các nhà xuất khẩu của quốc gia đó. Tuy nhiên, một quốc gia bị coi là có nền kinh tế phi thị trường không có nghĩa là tất cả các khu vực kinh tế hay tất cả các vùng đều “phi thị trường”. Điều này có nghĩa là, dù cho nước xuất khẩu bị coi là nước có nền kinh tế phi thị trường thì các nhà sản xuất/xuất khẩu của nước này vẫn có quyền yêu cầu được sử dụng các phương pháp kinh tế thị trường nếu chứng minh được rằng, mình hoạt động trong những điều kiện của nền kinh tế thị trường và không bị can thiệp quá nhiều từ Chính phủ. Nếu cơ quan điều tra của nước nhập khẩu chấp nhận thì việc tính toán biên độ phá giá của riêng các nhà sản xuất/xuất khẩu này sẽ được dựa trên giá cả và chi phí sản xuất tại chính nước xuất khẩu mà không cần sử dụng nước thay thế.

Tóm lại, quy chế nền kinh tế phi thị trường sẽ mang lại rất nhiều bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong các cuộc điều tra chống bán phá giá so với các doanh nghiệp thuộc các nền kinh tế thị trường. Để hạn chế sự bất lợi này, trước mắt, các doanh nghiệp là đối tượng của các cuộc điều tra chống bán phá giá cần tích cực hợp tác với cơ quan điều tra để chứng minh rằng, ngành sản xuất của mình hoàn toàn hoạt động theo cơ chế thị trường và không chịu sự can thiệp của Chính phủ.

b. Chính phủ cần có cơ chế giám sát hàng xuất khẩu

Thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, biện pháp tự vệ, các điều kiện kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ…là những loại “rào cản” đã và đang được các nước nhập khẩu sử dụng khá phổ biến trong khuôn khổ các nguyên tắc của WTO. Một khi những rào cản này được dựng lên, hoạt động xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng: những mức thuế bổ sung có thể làm triệt tiêu khả năng cạnh tranh, chi phí tuân thủ cao khiến giá bán hàng tăng, những hạn ngạch khắt khe, thậm chí là những lệnh cấm nhập khẩu có thể dẫn tới nguy cơ mất hẳn một thị trường nào đó.

Vì vậy, việc nghiên cứu và áp dụng các biện pháp nhằm đối phó với những nguy cơ này có ý nghĩa thực tiễn quan trọng. Một trong những phương pháp được đề cập khá nhiều trong thời gian gần đây là kiểm soát tự nguyện các hoạt động xuất khẩu từ phía cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam, còn được biết đến dưới tên “Cơ chế giám sát xuất khẩu”. Thực tế, điều mà chúng ta cần không phải là một cơ chế cứng nhắc để kiểm soát từ trên xuống mà là một tập hợp nhiều biện pháp linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với tình hình thực tế .

c. Phát triển một cơ chế cảnh báo sớm

Mặc dù không có một cơ chế pháp lý để có thể áp dụng cho mọi ngành, nhưng một cơ chế cảnh báo sớm có thể bao gồm các yếu tố sau: phân tích kinh tế, giám sát hoạt động của các nhà sản xuất nội địa, một mạng lưới quan hệ với các công ty vận động hành lang và các công ty luật ở nước ngoài, và theo dõi báo chí, cụ thể như sau:

Thứ nhất, các phân tích kinh tế phải thể hiện cả tình hình xuất khẩu của Việt Nam vào thời điểm hiện tại lẫn tình hình của nền công nghiệp tương ứng ở nước mà vụ kiện có thể xảy ra. Mọi sự tăng trưởng đột xuất của thị phần có thể dẫn tới một vụ kiện vì nếu thị trường bị hàng hoá nước ngoài thống lĩnh thì các nhà sản xuất nội địa cũng có thể đệ đơn kiện. Ngoài ra, sự suy giảm của thị phần cũng có thể là một trong các lý do khiến nhà sản xuất nội địa đệ đơn kiện chống bán phá giá bất chấp việc suy giảm đó là do sự cắt giảm trợ cấp của chính phủ, hay do công nghệ lạc hậu, hay do thiên tai.

Thứ hai, việc theo dõi chặt chẽ các hoạt động của các nhà sản xuất nội địa có thể giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát hiện một vụ kiện phá giá sắp xảy ra. Trước khi nộp đơn khởi kiện tới cơ quan có thẩm quyền, các nhà sản xuất nội địa cần phải phối hợp với nhau để tạo nguồn tài chính, thuê luật sư và chuẩn bị các thông tin cho việc kiện. Trong hầu hết các trường hợp, những hoạt động này là công khai. Vì khi các doanh nghiệp Việt Nam phát hiện các hoạt động này, họ phải lập tức chuẩn bị cho một vụ kiện. Việc theo dõi báo chí là một trong những cách hiệu quả khi các nhà xuất khẩu Việt Nam không có đại diện thường trực ở nước ngoài.

Thứ ba, xây dựng mối quan hệ với các công ty luật và các công ty vận động hành lang là một cách thức tốt cho doanh nghiệp Việt Nam để biết về các công ty này cũng như biết về các dịch vụ mà họ cung cấp.Việc lựa chọn các công ty luật là rất cần thiết trong các vụ kiện chống bán phá giá, vì vai trò của luật sư là hết sức quan trọng. Vì vậy thông thường các doanh nghiệp, đều thông qua nghiệp đoàn hoặc hiệp hội cùng lựa chọn ( hoặc một số) công ty luật tư vấn, đại diện cho mình trong vụ kiện trong các vụ kiện, thường thì trong các vụ kiện tại nước ngoài, khi lựa chọn luật sư cho các vụ kiện chống bán phá giá, các doanh nghiệp thường rất quan tâm đến khả năng sử dụng các chuyên gia về kinh tế, phải có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực chống bán phá giá của công ty luật cũng như khả năng sử dụng tiếng Anh của họ (đặc biệt trong các vụ kiện ở nước ngoài) thì mới có thể đáp ứng yêu cầu trong một vụ kiện ở tầm quốc gia.

d. Vận động hành lang
 
Vụ kiên về chống bán phá giá sản phẩm philê cá da trơn và tôm Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ được xem là bài học về sự phối hợp các yếu tố kinh tế, chính trị cũng như sự liên kết chặt chẽ của các doanh nghiệp liên quan với các tổ chức và đồng minh trong và ngoài nước.Vận động hành lang đối với ngành lập pháp có hiệu quả hạn chế. Tuy nhiên vận động là cần thiết vì nó có thể khiến các cơ quan chống bán phá giá áp dụng các biện pháp công bằng và hợp lý trong quá trình điều tra. Vì vậy, vận động hành lang cần một chiến lược với các mục tiêu và mục đích rõ ràng. Trong vận động hành lang, chứng cứ tạo ra sức thuyết phục mạnh hơn là chỉ tiếp cận tới các đối tượng và đưa ra những lập luận cảm tính đối với họ. Hợp tác với báo chí, huy động các lực lượng nước ngoài và đặc biệt là lực lượng người Việt ở nước ngoài vì họ hiểu luật tại nước sở tại, các tổ chức đồng minh nhập khẩu, phân phối bán lẽ, bảo vệ người tiêu dùng, các tổ chức có quyền lợi chung và các tổ chức phi chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc giành sự ủng hộ của dư luận.

e. Các giải pháp khác

Vai trò của Chính phủ trong các vụ việc chống bán phá giá cần được xác định một cách đúng mức. Nhà nước cũng nên hỗ trợ các doanh nghiệp trong và các vấn đề liên quan đến thông tin và trợ giúp kỹ thuật, cung cấp dịch vụ tư vấn, và hướng dẫn trả lời bảng câu hỏi do cơ quan điều tra bên khởi kiện nhằm đảm bảo bảng câu hỏi đầy đủ thông tin và phù hợp với các quy định.

            Tiến hành các hoạt động phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và công chúng về các vấn đề chống phá giá. Để đối phó thành công ở mỗi vụ tranh chấp về bán phá giá, sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính phủ và hiệp hội các doanh nghiệp trong việc đối phó với vụ kiện chống bán phá giá hàng Việt Nam ở nước ngoài.

Hiện nay Việt Nam là thành viên của WTO nên khi giải quyết các tranh chấp phát sinh liên quan tới chống bán phá giá ta có thể gởi lên WTO giải quyết. Cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế nói chung và chống bán phá giá nói riêng có uy tín và hiệu quả nhất là cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Đây cũng là một nhân tố chúng ta phải tính đến trong quá trình giải quyết các tranh chấp liên quan tới chống bán phá giá và có thể sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp có hiệu quả của tổ chức này.

Cần nhanh chóng tổ chức các khóa đào tạo về áp dụng thuế chống bán phá giá cho đông đảo các cán bộ ngành. Nội dung của các khóa đào tạo này sẽ bao gồm những vấn đề kinh tế liên quan tới bán phá giá, những quy định về thuế chống bán phá giá của WTO, kinh nghiệm áp dụng thuế chống bán phá giá của một số nước. Đồng thời, trong phạm vi khả năng của mình Bộ thương mại có thể hỗ trợ doanh nghiệp thông tin về các văn phòng luật sư nước ngoài có kinh nghiệm về chống bán phá giá; giúp các doanh nghiệp bằng việc tổng hợp các kinh nghiệm và bài học của các vụ kiện chống bán phá giá trước đó.

Tổ chức các hội thảo hoặc buổi làm việc với các phòng thương mại, các hiệp hội, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp để phổ biến thông tin và giúp đối tượng hiểu đầy đủ về bản chất của các biện pháp bồi thường trong thương mại quốc tế. Cùng với các nổ lực tương tự các Hiệp hôi doanh nghiệp. Các viện nghiên cứu..., bước đầu có thể nói rằng hoạt động tuyên truyền về chống bán phá giá ở Việt Nam đã có những hiệu quả tích cực. Với những nhận thức đúng về bản chất của việc chống bán phá giá ( nhằm đảm bảo cho thương mại công bằng). Cả Chính Phủ và các doanh nghiệp Việt Nam dường như đều xem đây là các vấn đề thuộc về thương mại đơn thuần ( không mang tính chính trị) và có cách hành xử tương ứng : chủ động khởi kiện khi thấy hàng hóa nước ngoài bán phá giá vào Ấn Độ và cũng bình tĩnh ứng phó với các vụ kiện ở nước ngoài.
 
Chính Phủ cũng có thể giúp đỡ hiệp hội doanh nghiệp trong việc vận hành hệ thống cảnh báo sớm bằng cách trao đổi các thông tin kinh tế vĩ mô và thu thập các thông tin thông qua các mạng lưới quan hệ của mình, ví dụ: Bộ thương mại thông qua hệ thống các tham tán thương mại của mình có thể giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam thu thập thông tin về thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước cũng có thể cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cho các doanh nghiệp, đặc biệt là đào tạo về luật thương mại quốc tế. Cuối cùng, Chính Phủ có thể thông qua các mối quan hệ của mình để tác động tới cơ quan điều tra nước ngoài nhằm thuyết phục họ công bằng trong quá trình điều tra vụ việc.

Để giúp các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua những khó khăn khi bị nước ngoài kiện bán phá giá, Chính Phủ có thể nghiên cứu thành lập các quỹ trợ giúp theo đuổi các vụ kiện phục vụ cho việc xuất khẩu để giúp đỡ cho các doanh nghiệp kháng kiện về mặt tài chính. Các cơ quan đại diện ở nước ngoài của chính phủ cần giúp đỡ các doanh nghiệp về mặt cung cấp thông tin, nhất là những thông tin liên quan đến việc nước ngoài kiếu kiện doanh nghiệp Việt Nam và thông tin liên quan đến những luật sư giỏi ở nước sở tại có khả năng giúp cho doanh nghiệp thắng kiện. Các cơ quan hữu quan của chính phủ và phương tiện thông tin cần tuyên truyền tình hình để tăng cường lòng tin cho các doanh nghiệp theo đuổi vụ kiện.

Một khi Việt Nam đã là thanh viên của WTO, Việt Nam sẽ có lợi thế hơn vì được hưởng cơ chế ưu tiên cho các nước phát triển và được hưởng các biệt lệ thi hành các thoả ước về thuế quan chậm hơn.
 
  •      Nhóm giải pháp từ phía hiệp hội ngành hàng

Giai toa uat uc cho thuy san Viet Nam.jpgHiện nay, bên khởi kiện bán phá giá ở nước ngoài thường lấy danh nghĩa hiệp hội để đủ tư cách không dưới 50% sản phẩm toàn quốc. Nếu bên hầu kiện chỉ là những doanh nghiệp riêng lẻ thì dễ sơ hở và không kham nổi chi phí kiện tụng. Vì vậy việc đoàn kết với các doanh nghiệp khác trong hiệp hội ngành nghề, hoặc trong các tổ chức nhóm sản phẩm để theo đuổi vụ kiện là cần thiết và mang lại nhiều lợi ích. Từ hai vụ kiện chống bán phá giá filê cá da trơn và vụ kiện tôm ta rút ra bài học vai trò của các tổ chức hiệp hội là rất quan trọng và cần thiết. Vì vậy cần tăng cường hoạt động của các tổ chức, hiệp hội ngành hàng tham gia các vụ kiện bán phá giá.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, muốn đẩy mạnh xuất khẩu cần phải củng cố vai trò của hiệp hội để sẵn sàng và chủ động giải quyết các tranh chấp thương mại có thể phát sinh. Các hiệp hội ngành hàng nên thiết lập cơ quan đại diện ở nước ngoài, trước hết là tập trung vào các thị trường trọng điểm và tổ chức tốt việc nghiên cứu các điều kiện thâm nhập thị trường nhằm mở rộng thị trường nhập khẩu và nâng cao hiệu quả ngành hàng của mình. Hiệp hội cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa đại diện hiệp hội với tham tán thương mại để đạt được kết quả, xử lý và đánh giá thông tin một cách toàn diện.
 
Thông qua hiệp hội quy định hành vi thị trường của các nhà xuất khẩu để bảo vệ lẫn nhau, không bị các doanh nghiệp nước nhập khẩu bắt chẹt trên thương trường. Đồng thời thông qua hiệp hội chuyên ngành để phối hợp giá cả trên thị trường thế giới, phòng ngừa tính cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là ngăn chặn các doanh nghiệp khác bán với giá quá rẻ tạo nguy cơ gây ra bị kiện bán phá giá.
 
Hiệp hội cần tăng cường vai trò hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu để giúp doanh nghiệp ngăn ngừa và ứng phó hiệu quả với các biện pháp chống bán phá giá của đối tác thương mại. Hiệp hội có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu về các thông tin liên quan đến các thị trường xuất khẩu, về chính sách thương mại của quốc gia có vụ kiện chống bán phá giá và chính sách thương mại của Việt Nam, về pháp luật chống bán phá giá.Việc hỗ trợ có thể được thực hiện thông qua các hình thức: hội thảo, tập huấn, cung cấp các tài liệu hướng dẫn về luật chống bán giá cho doanh nghiệp
Thiết lập cơ chế phối hợp với nhau tham gia kháng kiện và hưởng lợi khi kháng kiện thành công để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia kháng kiện. Tổ chức các doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn, chiếm thị phần lớn liên hiệp với nhau để kháng kiện, chia sẽ chi phí, chia sẽ thắng lợi.
 
Tổ chức cho các doanh nghiệp nghiên cứu những quy định pháp lý của nước ngoài về chống bán phá giá để có biện pháp né tránh hợp lý. Quy định pháp lý về chống bán phá giá của các nước không phải là giống nhau, vì vậy nếu có biện pháp né tránh hợp lý thì sẽ giảm bớt được các trường hợp kiếu kiện bán phá giá ở nước ngoài.

Cung cấp các thông tin cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói chung thiếu sự hiểu biết về việc kháng kiện bán phá giá. Các hiệp hội chuyên ngành cần phát huy vai trò cung cấp thông tin, giảm bớt tổn thất do thiếu thông tin. Đồng thời hiệp hội nên phát triển một cơ chế cảnh báo sớm đối với quá trình chuẩn bị điều tra, theo dõi các hoạt động chuẩn bị kiện của các nhà sản xuất Hoa Kỳ, phân tích tình hình của ngành thuỷ sản của Hoa Kỳ và xu hướng nhập khẩu thuỷ sản vào thị trường Hoa Kỳ của các doanh nghiệp Việt Nam.
 
Việc giúp cho các doanh nghiệp nắm vững và thu thập đầy đủ các thông tin về thị trường, cơ chế, chính sách, pháp luật của nước sở tại là vô cùng quan trọng. Nó giúp cho doanh nghiệp lường trước những rắc rối có thể xảy ra để có kế hoạch chủ động đối phó.
 
Việc chuẩn bị và đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá cần có nguồn lực tài chính lớn. Mặc dù các doanh nghiệp là người phải thanh toán các chi phí này nhưng vẫn cần phải quản lý tập trung các nguồn lực tài chính. Có thể nói Hiệp hội là cơ quan thích hợp nhất để huy động và điều hành mọi nguồn lực tài chính vì hiệp hội là người điều phối các hoạt động chuẩn bị và đối phó với việc điều tra.

Trong các vụ kiện chống bán phá giá, vai trò của luật sư là hết sức quan trọng. Vì vậy, thông thường, các doanh nghiệp đều thông qua Hiệp hội cùng lựa chọn một (hoặc một số) công ty luật tư vấn, đại diện cho mình trong các vụ kiện. Thường thì trong các vụ kiện tại nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam thuê luật sư của chính nước đó làm luật sư tư vấn và đại diện. Khi lựa chọn luật sư cho các vụ kiện chống bán phá giá, các doanh nghiệp thường rất quan tâm đến khả năng sử dụng các chuyên gia về kinh tế, phải có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực chống bán phá giá của công ty cũng như khả năng sử dụng tiếng Anh của họ (đặc biệt trong các vụ kiện ở nước ngoài) thì mới có thể đáp ứng yêu cầu trong một vụ kiện ở tầm quốc gia.

Hiệp hội cần hình thành ngay các tổ chức chuyên nghiệp để cùng với doanh nghiệp tham gia quá trình tố tụng, ngay khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO để đánh giá mức khả năng hàng hoá của hiệp hội bị kiện bán phá giá ở nước ngoài, đồng thời giám sát các vụ kiện chống phá giá của các nước nhập khẩu, và điều tra hành vi phá giá của các nhà nhập khẩu nước ngoài trên thị trường Việt Nam.
 
  •       Nhóm giải pháp từ phía doanh nghiệp
a. Xây dựng thương hiệu mạnh và đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá sản phẩm

Bài học đầu tiên từ vụ cá da trơn là khi ưu thế cạnh tranh của các nhà sản xuất nội địa giảm sút, thị phần của họ bị suy giảm, họ có thể sử dụng mọi biện pháp có thể để ngăn cản hàng nhập khẩu. Chống bán phá giá chỉ là một trong các biện pháp mà người sản xuất nội địa có thể sử dụng. Do đó, các nhà sản xuất nội địa của Hoa Kỳ có nhiều cơ hội trong việc ngăn cản hàng ngoại nhập.Vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam phải có chiến lược đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu nhằm phân tán rủi ro, bảo đảm hoạt động sản xuất “không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ”. Không nên tập trung xuất khẩu một vài mặt hàng với khối lượng lớn vào một nước vì đây có thể là cơ sở cho các nước khởi kiện bán phá giá.

b. Hệ thống chứng từ sổ sách và hạch toán kế toán theo chuẩn mực quốc tế

Hiện nay nước ta đã gia nhập WTO thì vấn đề hạch toán chi phí, quy trình hạch toán kế toán theo chuẩn mực quốc tế. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện sử dụng chứng từ sổ sách và quy trình hạch toán kế toán còn nhiều điều chưa hợp lý, chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Qua hai vụ kiện tôm và philê cá da trơn basa ta rút ra kinh nghiệm về chứng từ số liệu kế toán của doanh nghiệp chưa rõ ràng minh bạch, làm cho cơ quan điều tra không chấp nhận những chi phí đó, đã dẫn đến việc khó khăn và bất lợi trong việc điều tra biên độ phá giá của doanh nghiệp.Vì vậy doanh nghiệp cần có những giải pháp sau:

Theo hệ thống kế toán của Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp chưa có khoản mục chi phí thuê luật sư. Do đó khi bị kiện bán phá giá doanh nghiệp phải thuê luật sư để bào chữa vụ kiện sao cho được áp mức thuế thấp nhất, hầu hết doanh nghiệp đều phải thuê luật sư ở nước ngoài, các công ty luật có uy tín về chống bán phá giá, vì vậy chi phí thuê luật sư là rất lớn. Đây là một khoản mục chi phí hợp lệ mà doanh nghiệp nên áp dụng, nó phù hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế. Đồng thời doanh nghiệp phải hạch toán chi phí rõ ràng, số liệu chứng từ chính xác minh bạch áp dụng đúng theo chuẩn mực kế toán quốc tế.
Nghiên cứu đào tạo nâng cao kiến thức về quy trình hạch toán kế toán quốc tế; Doanh nghiệp Việt nam cần nghiên cứu đào tạo nhân viên kế toán các kiến thức chuẩn mực kế toán quốc tế, nâng cao trình độ quản lý, xử lý ghi chép các chứng từ theo đúng quy trình kế toán quốc tế. Đồng thời cần minh bạch rõ ràng số liệu kế toán theo tiêu chuẩn quốc tế.

Xây dựng hệ thống thông tin minh bạch và phù hợp chuẩn quốc tế: một hệ thống thông tin minh bạch được kiểm định độc lập theo đúng chuẩn quốc tế chính là các bằng chứng mạnh mẽ nhất để tự bảo vệ. Do vậy các doanh nghiệp cần nghiêm túc đầu tư hệ thống thông tin của mình. Hệ thống này sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc theo đuổi các vụ kiện, cũng như nâng cao tính hiệu quả trong quản lý kinh doanh.

 

c. Giải pháp về giá xuất khẩu và giá trị thông thường của sản phẩm xuất khẩu

Các doanh nghiệp cần phải có chiến lược về định giá xuất khẩu, xuất khẩu với giá cao những sản phẩm có chất lượng tốt, đồng thời các doanh nghiệp cần có một định mức tiêu hao thấp phù hợp với điều kiện thực tế trong doanh nghiệp. Muốn làm được điều này các doanh nghiệp cần phải có chính sách đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo những lao động có tay nghề cao và có chính sách đãi ngộ cho những người lao động có kinh nghiệm và có thời gian công tác lâu năm. 

 

d. Nâng cao kiến thức về luật chống bán phá giá của WTO cũng như luật chống bán phá giá của Hoa kỳ

Doanh nghiệp chế biến thuỷ sản phải biết tìm hiểu nâng cao kiến thức về luật chống bán phá giá của WTO và của Hoa Kỳ, nhanh chóng bồi dưỡng nhiều chuyên gia thông thạo các quy tắc mậu dịch quốc tế, mời các chuyên gia giỏi, kể cả các chuyên gia nước ngoài đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ quản lý của doanh nghiệp và luật sư lành nghề. Trên cơ sở đó hình thành các tổ chức chuyên phục vụ việc ứng phó với các tranh chấp về ngoại thương, bao gồm đội ngũ luật sư, kế toán, nhà kinh tế và chuyên gia chuyên sâu, có năng lực làm việc về vấn đề này, thì mới có đủ khả năng tư vấn cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho chính phủ khi xảy ra vụ kiện chống bán phá giá để đối phó.

 

e. Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần có tinh thần tích cực theo đuổi vụ kiện khi bị nước ngoài kiện bán phá giá

Các doanh nghiệp trong quá trình điều tra phải hợp tác với cơ quan điều tra, cung cấp cho cơ quan điều tra tất cả các thông tin mà cơ quan cần. Điều quan trọng nhất không phải là chứng minh rằng “lẽ phải thuộc về mình” mà là giảm thiểu mức áp thuế chống bán phá giá càng thấp càng tốt.
Tôn trọng thời hạn của các Bảng câu hỏi là rất quan trọng.
Hợp tác với bị đơn khác trong quá trình điều tra cũng rất quan trọng.

 

LỜI KẾT

Trong xu thế phát triển và hội nhập chung của thế giới, hội nhập WTO một mặt là phương tiện, động lực để thực hiện thắng lợi đường lối công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhưng mặt khác cũng đặt ra nhiều thử thách lớn đối với một nền kinh tế còn non trẻ như Việt Nam. Những thách thức chúng ta gặp phải không chỉ do năng lực cạnh tranh còn hạn chế mà còn là khả năng vượt qua rào cản pháp lý của các nước cũng như tổ chức quốc tế. Một trong những rào cản phổ biến được các định chế kinh tế quốc tế cũng như các quốc gia quan tâm là rào cản chống bán phá giá trong thương mại quốc tế. Vì vậy việc nghiên cứu các rào cản chống bán phá giá hàng thuỷ sản xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ có ý nghĩa thiết thực.
 
Từ những nghiên cứu những vấn đề lý luận cũng như thực trạng về các rào cản chống bán phá giá, tác giả rút ra một số kết luận sau:
 
         Trước hết, điều quan trọng nhất, Việt Nam có những đối sách kịp thời để hạn chế những khó khăn do vị trí nền kinh tế phi thị trường mang lại. Vì trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã và đang phải chịu nhiều thiệt thòi trong các cuộc điều tra chống bán phá giá vì toàn bộ số liệu về giá cả và chi phí sản xuất tại Việt Nam đều bị cơ quan điều tra của nước nhập khẩu từ chối xem xét vì Việt Nam bị coi là nền kinh tế phi thị trường.Về nguyên tắc, địa vị nền kinh tế phi trường của một nước không phải vĩnh viễn. Theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO thì địa vị nền kinh tế phi thị trường của Việt Nam sẽ chấm dứt vào năm 2019 hoặc thậm chí trước đó, nếu nước nhập khẩu tuyên bố xoá bỏ địa vị này cho Việt Nam. Như vậy hoặc là chúng ta kiên nhẫn chờ đợi cho đến năm 2019, hoặc là ngay từ bây giờ nhà nước ta khẩn trương thực hiện các chính sách nhằm thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi nền kinh tế cũng như tích cực vận động các nước đối tác sớm bỏ địa vị nền kinh tế phi thị trường cho Việt Nam.
 
         Thứ hai, tăng cường hoạt động của các tổ chức, hiệp hội ngành hàng tham gia các vụ kiện bán phá giá. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, muốn đẩy mạnh xuất khẩu cần phải cũng cố vai trò của hiệp hội để sẵn sàng và chủ động giải quyết các tranh chấp thương mại có thể phát sinh. Các hiệp hội ngành hàng nên thiết lập cơ quan đại diện ở nước ngoài, trước hết là tập trung vào các thị trường trọng điểm và tổ chức tốt việc nghiên cứu các điều kiện thâm nhập thị trường nhằm mở rộng thị trường nhập khẩu và nâng cao hiệu quả ngành hàng của mình. Hiệp hội cũng cần phối hợp chặt chẽ giữa đại diện hiệp hội với tham tán thương mại để đạt được kết quả, xử lý và đánh giá thông tin một cách toàn diện.

         Thứ ba, Chính Phủ cần tăng cường vai trò hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam để giúp họ ngăn ngừa và ứng phó hiệu quả với các biện pháp chống bán phá giá của đối tác thương mại. Chính phủ có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam về các thông tin liên quan đến các thị trường xuất khẩu, về chính sách thương mại của quốc gia có vụ kiện chống bán phá giá. Việc hỗ trợ có thể được thực hiện thông qua các hình thức: hội thảo; tập huấn; các tài liệu hướng dẫn cho doanh nghiệp. đồng thời, trong phạm vi khả năng của mình, Bộ Thương Mại có thể hỗ trợ doanh nghiệp thông tin về các văn phòng luật sư nước ngoài về chống bán phá giá, giúp các doanh nghiệp bằng việc tổng hợp các kinh nghiệm và bài học của các vụ kiện chống bán phá giá trước đó.

         Thứ tư, Việc xây dựng chiến lược thị trường xuất khẩu cần đảm bảo tránh không để cho xuất khẩu tăng đột biến vào những thị trường có thể xẩy ra những khiếu kiện chống bán phá giá. Bên cạnh đó, trong công tác nghiên cứu và xây dựng chiến lược phát triển xuất khẩu ngành, Nhà nước cũng cần xem xét, cân nhắc đến nguy cơ đe dọa từ các vụ kiện chống bán phá giá tại những thị trường lớn và những thị trường đã có tiền lệ kiện chống bán phá giá đối với những sản phẩm xuất khẩu tương tự hoặc giống của các nước trên thế giới.

         Thứ năm, Nghiên cứu đào tạo nâng cao kiến thức về quy trình hạch toán kế toán quốc tế; Doanh nghiệp Việt nam cần nghiên cứu đào tạo nhân viên kế toán các kiến thức chuẩn mực kế toán quốc tế, nâng cao trình độ quản lý, xử lý ghi chép các chứng từ theo đúng quy trình kế toán quốc tế. Đồng thời cần minh bạch rõ ràng số liệu kế toán theo tiêu chuẩn quốc tế.

         Cuối cùng, điều quan trọng là các doanh nghiệp Việt Nam phải tự mình nâng cao khả năng cạnh tranh, chủ động áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm, đào tạo bồi dưỡng cán bộ và nâng cao trình độ nguồn nhân lực… để kịp thời ứng phó với những tranh chấp có thể phát sinh trong thương mại quốc tế . Làm được điều đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể khẳng định mình và đứng vững trong làn sóng cạnh tranh khóc liệt của hội nhập WTO./.
 
 
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] TS. Đào Bích Hòa, Những Giải pháp cơ bản chống bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào thị trường Việt Nam trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.
[2] PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi, Việt Nam với những bài toán chống bán phá giá trong thời kỳ WTO.
[3] TS. Phan Minh Ngọc, Những giải pháp giảm nguy cơ chống bán phá giá hàng xuất khẩu của Việt Nam ở nước ngoài.
 [4] Nguyễn Thị Thu Trang , Cơ chế giám sát hàng xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam.
 
 (*) Giảng viên cơ hữu khoa Tài Chính – Kế Toán, Trường Đại Học Lạc Hồng

 

 


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  815,679       1/499