Thông tin cần biết

Ban vì sự tiến bộ PN  »  Thông tin cần biết


Nâng cao nhận thức chuyển đổi hành vi

     Ba năm nghành Giáo dục triển khai Tiểu đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam trong thời kì đẩy mạnh CNH – HĐH đất nước trong trường học”, nhiều công việc đã được triển khai từ Trung ương đến cơ sở và đã đạt được những kết quả ban đầu. Đánh giá những nỗ lực của toàn nghành Giáo dục triển khai Tiểu đề án II cũng như nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, báo Giáo dục và thời đại đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa về vấn đề này.

Nhiệm vụ giữ gìn và phát huy phẩm chất, đạo đức của phụ nữ Việt Nam có vai trò như thế nào trong giai đoạn hiện nay thưa Thứ trưởng?

- Sự nghiệp CNH - HĐH đất nước đòi hỏi mọi tầng lớp trong xã hội, trong đó có phụ nữ phải tự “nâng mình lên” ngang tầm thời đại. Hàng loạt những yêu cầu được đặt ra với mỗi công dân trong thiên niên kỉ mới này, như: Phải được trang bị tri thức, sức khỏe, có khả năng cạnh tranh cao… Có thể nói, hơn bao giờ hết, phụ nữ Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều thách thức.

     Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị nhận định: “Trước yêu cầu của công cuộc CNH – HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, tình hình phụ nữ và công tác phụ nữ còn nhiều mặt hạn chế, đồng thời lại có những vấn đề mới đặt ra với nhiều thách thức”. Nghị quyết cũng chỉ ra hàng loạt những hạn chế của phụ nữ Việt Nam hiện nay, đó là trình độ học vấn chuyên môn nghề nghiệp còn hạn chế; một bộ phận phụ nữ có lối sống thực dụng, làm mai một các phẩm chất, đạo đức truyền thống, tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý còn thấp… Vì vậy, việc giữ gìn và phát triển phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là một đòi hỏi mang tính tất yếu, khách quan, không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với nữ giới mà còn có ý nghĩa thúc đẩy sự tiến bộ xã hội nói chung.


Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành đề án cấp quốc gia về “Tuyên truyền giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH đất nước giai đoạn 2010 – 2015 bao gồm 4 Tiểu đề án. Trong đó, Tiểu đề án II do Bộ GD&ĐT chủ trì thực hiện trong hệ thống trường học. Thứ trưởng có thể đánh giá, sau 3 năm triển khai thực hiện Tiểu đề án II đã thu được những kết quả như thế nào?

- Có thể nói, các hoạt động của Tiểu đề án II về cơ bản đã được triển khai, nhất là công tác xây dựng, kiện toàn bộ máy Ban điều hành từ cấp Bộ đến cấp Sở và các ĐH, học viện, các trường ĐH, CĐ, TCCN.

     Trong năm 2012, Ban chỉ đạo Tiểu đề án II cấp Bộ đã biên soạn và phát hành 2 cuốn tài liệu “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kì CNH - HĐH đất nước trong trường học” dành cho học sinh, sinh viên. Bộ tài liệu này đã được gửi đến các Sở, trường ĐH với gần 3.000 cuốn. Đây là tài liệu nguồn quan trọng, phục vụ công tác tập huấn của địa phương và của các trường đào tạo.

     Ngoài ra, hàng loạt hoạt động khác đã được nghiêm túc triển khai: xây dựng 6 mô hình chỉ đạo điểm; tổ chức tập huấn đội ngũ báo cáo viên; thực hiện lồng ghép tuyên truyền về phẩm chất phụ nữ Việt Nam với các chương trình, phong trào chung của Bộ GD&ĐT, của nghành; mở diễn đàn truyền thống tuyên truyền về giới và sức khỏe sinh sản dành cho học sinh phổ thông cả nước; lồng ghép nội dung về phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam vào các môn học, hoạt động ngoài giờ lên lớp, tuần sinh hoạt công dân đầu năm học; mở các sinh hoạt chuyên đề…; tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện ở các địa phương, đơn vị.

     Hàng năm, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ nghành Giáo dục đã tổ chức gặp mặt nữ nhà giáo và sinh viên tiêu biểu các khu vực. Trong đó, đáng chú ý, năm 2012, có 128 nữ nhà giáo tiêu biểu đang công tác tại những vùng khó khăn nhất của đất nước đã được tôn vinh, tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT…

     Đặc biệt, công tác truyền thông đã được báo Giáo dục và Thời đại triển khai với nhiều hoạt động và nội dung thiết thực. Báo đã xây dựng chuyên mục Phụ nữ với thời đại, chính thức bắt đầu thực hiện từ quý III năm 2012 dành riêng cho hoạt động tuyên truyền theo nhiệm vụ Tiểu đề án II và tuyên truyền về thực hiện chính sách, pháp luật bình đẳng giới. Năm 2013, diễn đàn “Giáo dục sức khỏe sinh sản và giới tính trong HSSV” được mở với tổng số 45 bài viết. Đặc biệt, cuộc thi “Cô giáo của tôi” phát động trên báo Giáo dục và Thời đại đã thu hút trên 71.000 bài dự thi và có sức lan tỏa mạnh mẽ.

     Một số trường ĐH có nhiều hình thức giáo dục tuyên truyền đa dạng, phong phú, như xây dựng các trang thông tin điện tử; các phóng sự, clip, tiểu phẩm, tờ gấp; tổ chức hội thảo, hội thi, sinh hoạt chuyên đề, tọa đàm về giáo dục 4 phẩm chất đạo đức gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Điển hình là Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh….

     Tuy nhiên, tiến độ thực hiện Tiểu đề án II còn chậm so với kế hoạch. Các hoạt động chưa triển khai đồng đều ở tất cả các Sở GD&ĐT, các trường ĐH. Công tác tổ chức, tuyên truyền Tiểu đề án II ở một số đơn vị khối trường chưa được quan tâm đầy đủ, kịp thời. Từ việc thành lập Ban chỉ đạo đến xây dựng kế hoạch thực hiện, tập huấn cho đội ngũ tuyên truyền viên, kinh phí và công tác triển khai tới các cơ sở trường học. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát dù đã được quan tâm nhưng chưa thường xuyên. Trong quá trình thực hiện, một số địa phương chưa quan tâm và đầu tư đúng mực. Việc thực hiện báo cáo, thông tin 2 chiều về Ban điều hành của Bộ chưa được các địa phương thực hiện đầy đủ.

       Thưa Thứ trưởng, Tiểu đề án II đã đi được 3/5 chặng đường. Vậy trong 2 năm tới, mục tiêu mới sẽ được đặt ra như thế nào?

- Mục tiêu đặt ra cho giai đoạn tới là tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của nữ cán bộ, giáo viên, HSSV trong việc giữ gìn, phát huy phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thời kì CNH – HĐH đất nước. Bốn phẩm chất: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang sẽ là trọng tâm tuyên truyền.

      Phấn đấu đến năm 2015 có 90% trở lên HSSV trong trường học, 95% trở lên nữ HSSV được tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam. 90% cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên làm công tác chủ nhiệm, công tác Đoàn đội trong trường học, cán bộ làm công nữ; cán bộ cấp ủy, công đoàn các cơ sở giáo dục được tập huấn, nâng cao kiến thức về công tác tuyên truyền; giaó dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH.

      Thực hiện mục tiêu này, những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào sẽ được chú trọng triển khai thưa Thứ trưởng?

- Toàn ngành sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện đồng bộ, sâu rộng các mục tiêu kế hoạch hoạt động Tiểu đề án II trong 2 năm 2014 và 2015. Một trong những hoạt động cụ thể là tổ chức Ngày hội sáng tạo của phụ nữ nghành Giáo dục vào năm 2014.

      Bên cạnh đó, công tác tập huấn sẽ được mở rộng cho các trường ĐH, CĐ không trực thuộc Bộ GD&ĐT; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo và phân rộng mô hình điểm; lồng ghép kiểm tra thực hiện kế hoạch bình đẳng giới với giám sát việc hiện Tiểu đề án II; ban hành và triển khai Bộ tiêu chí giám sát thực hiện Tiểu đề án II.

       Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị để kịp thời rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo.

      Cùng với đó là việc đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường tuyên truyền, biểu dương những tấm gương tập thể cá nhân điển hình về tinh thần phấn đấu, rèn luyện các phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH – HĐH trong nhiệm vụ quản lý, dạy và học. Báo Giáo dục và Thời đại sẽ mở chuyên mục “Nữ sinh Việt Nam: Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang”. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh để làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam trong trường học.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

(Nguồn: Báo GIÁO DỤC & THỜI ĐẠI phát hành ngày 8.1.2014)


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  2,083,395       1/659