Đồng Nai kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả quản lý, thu hút đầu tư, và đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển theo hướng bền vững và hiện đại nhất là trong thời kỳ công nghệ số được lấy dấy lên mạnh mẽ. Bên cạnh việc tập trung vào các khu công nghiệp hiện đại, lãnh đạo Tỉnh tăng cường chỉ đạo việc mở rộng học hỏi các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, quản lý đô thị thông minh và phát triển bền vững.
ông Tạ Quang Trường - Giám đốc sở Thông tin truyền thông (áo trắng, giữa)
cùng chụp hình lưu niệm với Ban Lãnh đạo IUH
Sáng ngày 05/6/2024 đoàn gồm ông Tạ Quang Trường - Giám đốc sở Thông tin truyền thông, Ông Nguyễn Vũ Quỳnh – Phó Hiệu trưởng cùng với các giảng viên khoa Công nghệ Thông tin và khoa Cơ điện - Điện tử trường đại học Lạc Hồng (LHU) đã thăm và làm việc với khoa Cơ Khí - Trường Đại học Công nghiệp TP HCM (IUH). Mục tiêu chuyến đi nhằm tham quan Phòng thí nghiệm nhà máy thông minh ứng dụng công nghiệp 4.0 do tập đoàn Siemens tài trợ. Qua đó học hỏi kinh nghiệm chuẩn bị triển khai dự án phòng thí nghiệm công nghiệp số đầu tiên của Đồng Nai và đặt tại LHU.
... đoàn công tác tham quan và tìm hiểu từng chi tiết trong dự án
Tiếp đoàn có thầy Huỳnh Trung Hiếu – Phó Chủ tịch phụ trách Hội đồng Trường, Phó Hiệu trưởng Nhà trường (thành viên hội đồng tư vấn chuyển đổi số tỉnh ĐN) và lãnh đạo khoa Cơ khí. Dự án Phòng thí nghiệm nhà máy thông minh ứng dụng công nghiệp 4.0 được triển khai trên cơ sở hợp tác giữa IUH và Tập đoàn Siemens (Đức) chuyển giao máy móc thiết bị phần cứng - phần mềm, tập huấn cho cán bộ giảng viên của trường.
1 dự án – vô vàn giá trị
Tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 4,6 triệu USD. Trong đó phần tài trợ của Siemens là hơn 3,9 triệu USD cho máy móc thiết bị cùng công nghệ, giáo trình đào tạo, tài trợ 300 bản phần mềm SolidEgd, 3D CAD. Phần còn lại được đối ứng từ ngân sách của nhà trường.
Lãnh đạo Khoa Cơ khi IUH giới thiệu chức năng
Phòng thí nghiệm nhà máy thông minh ứng dụng công nghiệp 4.0
Chương trình đào tạo của dự án cung cấp cho giáo viên và sinh viên những kiến thức tổng quan về công nghiệp 4.0 trước yêu cầu cấp thiết của xã hội. Đồng thời, giúp sinh viên có khả năng phân tích, thiết kế, mô phỏng, sản xuất tự động hoá ứng dụng công nghệ 4.0; có khả năng phân tích, thiết kế hệ thống giám sát và điều khiển công nghiệp ứng dụng công nghiệp 4.0 tích hợp IoT. Bên cạnh đó, chương trình này còn giúp GV&SV có kỹ năng về quản trị doanh nghiệp, bao gồm chuỗi sản xuất, cung ứng, bán hàng, dịch vụ thông qua các ứng dụng được phát triển trên nền tảng điện toán đám mây nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường như hiện nay. Ngoài ra, dự án còn triển khai đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ kỹ thuật cho các doanh nghiệp sản xuất và tự động hóa trong nước tiếp cận các mạng công nghiệp 4.0.
Sẽ có dự án Phòng thí nghiệm công nghiệp số tại Đồng Nai?
Trước đó ngày 22/5/2024 ông Võ Hoàng Khai - Giám đốc sở Thông tin truyền thông Tỉnh và Chủ tịch Hội đồng trường đại học Lạc Hồng, tiến sĩ Đỗ Thị Lan Đài cũng đã có buổi làm việc với ông Võ Hồng Kỳ lãnh đạo Tập đoàn Siemens Việt nam để bàn về chiến lược hợp tác giữa hai bên. Bà Lan Đài cũng mong muốn dự án này sớm được triển khai tại Đại học Lạc Hồng trong thời gian tới. LHU sẽ chuẩn bị cơ sở vật chất khu phòng thí nghiệm có diện tích tối thiểu 500m2 để tiếp nhận dự án.
PGS.Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng LHU (áo đen) cùng các giảng viên
tìm hiểu cặn kẽ dự án để chuẩn bị thực thi dự án tại LHU trong thời gian tới.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bao gồm các tỉnh thành như Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... đóng vai trò chủ chốt trong nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, tỉnh Đồng Nai là một trong những địa phương trọng yếu với tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Quy hoạch phát triển Đồng Nai tập trung vào việc nâng cao cơ sở hạ tầng giao thông, như việc hoàn thành sân bay quốc tế Long Thành, mở rộng hệ thống đường bộ và cảng biển nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và kết nối vùng.
Đồng Nai cũng chú trọng vào việc phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, với các khu công nghiệp hiện đại, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời áp dụng công nghệ xanh và thân thiện với môi trường. Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai còn đẩy mạnh việc phát triển đô thị, cải thiện chất lượng sống cho người dân thông qua các dự án xây dựng khu đô thị mới, cơ sở giáo dục và y tế hiện đại.
Một góc không gian phòng thực hành SMC Automation lab (khí nén) đầu tiên tại Đồng Nai,
đặt tại trường đại học Lạc Hồng
Song song đó, Đồng Nai tập trung bảo tồn và phát triển các khu vực nông nghiệp, du lịch sinh thái, góp phần bảo vệ môi trường và tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân địa phương. Thông qua các chiến lược và quy hoạch này, Đồng Nai hướng tới trở thành một động lực kinh tế quan trọng, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong thời gian qua lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã chủ động tổ chức các đoàn tham quan học tập tại các địa phương và quốc gia có mô hình phát triển kinh tế, công nghiệp tiên tiến. Các chuyến tham quan này nhằm mục đích tìm hiểu, nghiên cứu và áp dụng những kinh nghiệm và công nghệ hiện đại vào thực tiễn phát triển của địa phương.