Kỳ 1. Ba trụ cột trong đào tạo nhân lực lĩnh vực chíp bán dẫn tại Đồng Nai
Cuộc khủng hoảng thiếu hụt chíp bán dẫn trong những năm gần đây đã làm “tê liệt” dây chuyền sản xuất tại một số quốc gia. Trong bối cảnh đó, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn ở khu vực Đông Nam Á nổi lên như một giải pháp và Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành tâm điểm trong chuỗi đầu tư giá trị bán dẫn toàn cầu. Bán dẫn cũng được Chính phủ xác định là 1 trong 9 sản phẩm quốc gia. Do đó, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp chip bán dẫn là rất lớn.
Triển vọng cho nhân lực ngành chip bán dẫn tại Đồng Nai
Theo số liệu từ Cổng thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, đến cuối năm 2023 cả nước có hơn 5.500 kỹ sư thiết kế chip, trong khi nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam là 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm. Như vậy, nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp chip bán dẫn tại Việt Nam hiện nay đang hết sức khiêm tốn.
Đồng Nai là tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước, cùng với vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, những năm gần đây, chính sách “mời gọi” từ chính quyền tỉnh đã thu hút được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư lớn về lĩnh vực bán dẫn.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai cho biết: “Gần đây nhất, tháng 10/2023, Tập đoàn Coherent (Hoa Kỳ) cũng đã làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, đề xuất triển khai các dự án liên quan đến công nghệ cao trong lĩnh vực quang học, bán dẫn. Theo đó, doanh nghiệp đã đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm đến khả năng đáp ứng nguồn lao động lĩnh vực điện tử, bán dẫn cho các dự án công nghệ cao đầu tư vào Đồng Nai”.
Đào tạo nhân lực lĩnh vực chíp bán dẫn tại Đồng Nai - sự vào cuộc của các bên liên quan
Chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn tại Đồng Nai là việc làm quan trọng, cần có sự chung tay của các bên liên quan nhằm phát uy tối đa nguồn lực hiện có, trong đó, 3 trụ cột lớn là: Chính quyền - Doanh nghiệp - Trường đại học.
Dựa vào nguồn lực hiện tại (giảng viên, cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy, chương trình đào tạo,…) của các trường đại học trên địa bàn, đầu năm 2024, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã lựa chọn và cho phép thành lập Trung tâm vi mạch bán dẫn tại Trường Đại học Lạc Hồng (LHU) với sự đồng hành của Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế (Sun Edu) - một tổ chức đào tạo quốc tế uy tín hàng đầu trong lĩnh vực điện tử và vi mạch bán dẫn.
Theo thỏa thuận được ký kết giữa LHU và Sun Edu, hai bên sẽ tập trung vào việc phát triển các chương trình đào tạo tiên tiến, cung cấp kiến thức lý thuyết và kỹ năng thực hành cho sinh viên. Từ đó, nâng cao năng lực và đào tạo những sinh viên này trở thành những chuyên gia chất lượng cao trong lĩnh vực điện tử và vi mạch bán dẫn.
Tập đoàn Synopsys của Hoa Kỳ cũng cam kết hỗ trợ LHU trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực thiết kế vi mạch. Trước mắt, Synopsys hỗ trợ LHU xây dựng Lab vi mạch bán dẫn và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên lĩnh vực thiết kế vi mạch thông qua chương trình đào tạo ngắn hạn mang tên "Train-the-Trainer".
Các giảng viên sẽ làm việc tại Synopsys (trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh) trong thời gian 4 tháng để bồi dưỡng kiến thức thực tiễn. Khóa đào tạo dự kiến bắt đầu từ tháng 4-2024.
Theo một lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Trung tâm thiết kế vi mạch tại LHU sẽ góp phần hiện thực hoá mục tiêu 50 nghìn kỹ sư vào năm 2030 của Chính phủ cho ngành vi mạch bán dẫn, đồng thời hướng đến tham gia, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái bán dẫn và tạo thêm động lực, sức hút mới để tăng cường thu hút đầu tư công nghệ cao tại Đồng Nai và khu vực Đông Nam Bộ.
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ:
Kỳ 2. Vai trò tiên phong của các trường đại học trên địa bàn trong đào tạo nhân lực ngành bán dẫn
Kỳ 4. Hành trình xây dựng những “người gieo mầm” cho ngành công nghiệp bán dẫn