“Không dễ gì” là từ khóa mà Đại học Lạc Hồng dành cho nhân vật của mình trong bài viết này. Không dễ gì để chúng tôi có thể tìm thấy cô ấy trong bức ảnh với gần 100 nhà khoa học trẻ tại Hội nghị thường niên STIC 2023 (Chương trình Hợp tác Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Hoa Kỳ-ASEAN). Không dễ gì để cô ấy có mặt trong bức ảnh quy tụ 8/70 người chiến thắng khi trình bày dự án của mình trước hội đồng. Và chắc chắn cũng sẽ không dễ gì để chúng ta có thể là nhân vật tiếp nối sau cô ấy. Nhưng những nỗ lực và sự kiên định của cô ấy sẽ giúp cho cộng đồng LHU và những nhà khoa học trẻ có thêm cảm hứng để chinh phục thử thách do STIC mang đến. Nhân vật của Đại học Lạc Hồng hôm nay là Ths. Nguyễn Thị Tuyết Nhung – giảng viên Bộ môn Hóa Phân tích – Kiểm nghiệm, Khoa Dược, Đại học Lạc Hồng. Một giảng viên nhỏ nhắn nhưng có “sức bật” hơn những gì chúng ta có thể nghĩ tới. Cô là 1 trong 8 nhà khoa học trẻ tại khu vực Đông Nam Á, vinh dự đạt giải thưởng 12,500 đô la Mỹ cùng toàn bộ kinh phí tài trợ khi đến STIC.
Giảng viên LHU, góp mặt trong bức ảnh quy tụ các nhà khoa học trẻ tại khu vực Đông Nam Á
Nỗ lực của bạn đã được đền đáp
“Xin chúc mừng 8 Người chiến thắng trong dự án tài trợ hạt giống của chúng tôi ở cả hai lĩnh vực E&I và KH&CN. Nỗ lực của bạn đã được đền đáp và chúng tôi rất vui mừng được thấy những dự án đó hoạt động. Chúng tôi gửi lời cảm ơn chân thành đến từng người tham gia đã đóng góp vào sự thành công của Hội nghị thường niên STIC 2023. Niềm đam mê đổi mới và cống hiến cho sự hợp tác của bạn là động lực thúc đẩy sứ mệnh chung của chúng ta. Cảm ơn bạn đã là một phần của cuộc hành trình này. Luôn cảm hứng, luôn đổi mới và tiếp tục vượt qua ranh giới của những gì có thể”, đại diện truyền thông STIC 2023 chia sẻ.
Giảng viên Nguyễn Thị Tuyết Nhung 1 trong 8 nhà khoa học trẻ nhận giải thưởng của STIC
Hội nghị STIC được ví như cánh cổng di chuyển nhân tài. Những người cùng chí hướng và luôn phấn đấu để khám phá các cơ hội và mong muốn được kết nối với những tư duy đổi mới, sáng tạo trong dự án mà bản thân đang nghiên cứu.
4 gương mặt xuất sắc nhất hạng mục Science and Technology
Thật sự cũng không dễ gì...
Được biết cô Nhung mất gần 2 tháng để thực hiện các khóa học và thử thách từ STIC trước khi lọt vào danh sách 70 dự án sở hữu tấm vé tham gia Hội nghị STIC.
“Để đủ tiêu chí apply, mình cần hoàn thành chương trình "Science and Technology (S&T) track of US-ASEAN STIC Talent Mobility Portal". Chương trình này gồm 9 khoá học trên Coursera liên quan đến 9 field. Field mình apply là Biotechnology. Sau khi hoàn thành, có giấy chứng nhận thì mới apply STIC seed grant.” – Tuyết Nhung chia sẻ thêm.
BTC và cộng đồng đang chờ đợi những nghiên cứu
của các nhà khoa học trẻ sớm đi vào thực tiễn
Hành trang đến STIC của Nhung khá đơn giản. “Thử xem sức mình đến đâu”, cô giáo trẻ mong muốn được thử sức và được gắn kết nhiều hơn với các bạn trẻ làm nghiên cứu khoa học giống mình. Dự án Nhung mang đến STIC cũng chính là luận án tiến sĩ của mình. Một nghiên cứu về thuốc điều trị ung thư gan từ dược liệu.
Được biết, BTC của STIC là ASU, đồng tổ chức của BUILD-IT. Đại học Lạc Hồng là trường thành viên của BUILD-IT, vì thế cơ hội đều được chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng LHU. Nhung hi vọng, thành công lần này của mình sẽ truyền cảm hứng để năm sau LHU sẽ có nhiều dự án cùng tham gia chương trình. Qua kinh nghiệm đi trước Nhung gửi gắm thêm, trước tiên chúng ta cần hiểu rõ dự án của mình. Nhất là cần nắm được bí quyết khi trình bày trước hội đồng: “Chủ yếu kiểm soát nội dung cần nói để đảm bảo đúng thời gian cho phép. Và ban giám khảo cũng không hẳn là người cùng field với mình nên cần chọn ngôn từ cơ bản dễ hiểu nhất để trình bày.” Nhung nhiệt tình chia sẻ.
Các nhà khoa học và BTC trình bày tham luận tại chương trình
Hàng năm, STIC sẽ tuyển chọn và trang trải toàn bộ chi phí cho 35 ứng viên thuộc nhóm S&T và 35 ứng viên thuộc nhóm E&I tham dự hội nghị thường niên. Tiền thưởng sẽ được cung cấp dưới dạng giải thưởng trực tiếp cho những người nhận trợ cấp được xác định. Những người nhận giải thưởng phải có khả năng tuân thủ quy trình báo cáo của Đại học Bang Arizona (ASU). Hiện tại ThS. Nguyễn Thị Tuyết Nhung đang tiếp tục nỗ lực hoàn thành tiếp các thí nghiệm của mình để sớm đưa sản phẩm ứng dụng vào thực tế. Mở ra nhiều cơ hội "sống tiếp" cho các bệnh nhân ung thu gan.