Trong những năm gần đây, vấn đề liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục đại học (ĐH) và doanh nghiệp (DN) ngày càng được các trường ĐH coi trọng nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, hiểu biết thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Theo đó, các trường mời DN cùng tham gia vào quá trình giảng dạy hoặc gửi sinh viên (SV) về các DN thực tập; các quy định liên kết đào tạo chỉ rõ trách nhiệm của các trường cũng như DN để quá trình liên kết này ngày càng đi vào thực chất và có hiệu quả. Trường ĐH Lạc Hồng là một ví dụ điển hình cho xu hướng này.
Kết nối doanh nghiệp – kết nối nhịp cầu cho sinh viên
Hiện nay, Trường Đại học Lạc Hồng đã ký kết thoả thuận hợp tác với hơn 800 doanh nghiệp tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh & các vùng lân cận để đảm bảo đầu ra cho SV, đồng thời đáp ứng đầy đủ yêu cầu của nhà tuyển dụng và xã hội. Trong số các DN mà nhà trường liên kết, có rất nhiều DN do chính cựu sinh viên nhà trường là chủ. Trong bộ máy chủ chốt của nhiều DN, nhân sự tốt nghiệp từ Trường Đại học Lạc Hồng chiếm đến 1/3. Đây là kênh kết nối vững chắc trong việc giới thiệu SV thực tập trong quá trình học và làm việc sau khi tốt nghiệp.
Việc hợp tác đào tạo đều có kế hoạch, chiến lược cụ thể, dựa trên nhu cầu thực tế tuyển dụng của DN; thậm chí, DN trực tiếp đặt hàng với nhà trường trong công tác đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực, kế hoạch tuyển dụng từng giai đoạn phát triển. Bà Phạm Thị Thu – Giám đốc Ngân hàng SacomBank (chi nhánh Đồng Nai) đánh giá: Đó là những đơn hàng thật sự chất lượng mà DN chúng tôi đang cần. Những sản phẩm chất lượng cao từ Nhà trường là nguồn lực vô tận đối với sự phát triển của DN và xã hội.
Nhiều năm trở lại đây, Đồng Nai được đánh giá là tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp và hiện nay là 1 trong 4 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu ngân sách cho Nhà nước. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp - xây dựng của tỉnh luôn giữ mức 12%/năm, thu hút sự đầu tư từ nhiều công ty đa quốc gia, và tập đoàn lớn trên thế giới. Hàng năm, tỉnh Đồng Nai có khoảng 3.000 DN được thành lập mới trên lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ,... . Đó là những lợi thế đối với SV theo học các ngành đào tạo về kỹ thuật, kinh tế, và ngôn ngữ của trường Đại học Lạc Hồng.
Xuất phát từ triết lý giáo dục và khẳng định trách nhiệm của cả Nhà trường đối với người học và xã hội, Nhà trường đã có những cam kết chắc chắn và đang thực thi các cam kết đó trên thực tế thông qua việc xây dựng môi trường học tập hiện đại và không ngừng tìm kiếm môi trường để SV thực tập và làm việc trong suốt quá trình học và sau khi ra trường.
Đào tạo sinh viên đủ sức cạnh tranh trên thị trường nhân lực quốc tế
Trong những năm qua, Trường ĐH Lạc Hồng không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu toàn cầu hóa trong thời kỳ hội nhập Quốc tế. Đại học Lạc Hồng là trường ĐH đầu tiên tại Đồng Nai được Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Quốc gia TPHCM đã tiến hành đánh giá chính thức và công nhận đạt chất lượng cấp cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của Bộ GD&ĐT.
Hiện nay, Nhà trường đã có 2 ngành đào tạo (Công nghệ thông tin và công nghệ kỹ thuật điện, điện tử) đạt chuẩn quốc tế theo các tiêu chí của AUN-QA (kiểm định chất lượng theo chuẩn Đông Nam Á, 15 ngành còn lại đang từng bước hoàn thành đánh giá theo chuẩn này và kiểm định theo chuẩn ABET (tiêu chuẩn Mỹ).
Trên cơ sở đáp ứng các tiêu chí kiểm định khắt khe của quốc tế, chất lượng đào tạo của Trường được công nhận và phát triển liên tục. Người học là đối tượng được hưởng nhiều lợi ích từ hoạt động kiểm định này, được chuyển đổi kết quả học tập giữa các chương trình đào tạo của các trường ĐH trong khu vực Đông Nam Á và ABET, tạo lợi thế cho hoạt động trao đổi SV, GV giữa các trường ĐH. Xa hơn, SV của Trường ĐH Lạc Hồng đủ sức cạnh tranh với thị trường nhân lực quốc tế.
Bên cạnh việc đảm bảo chất lượng, Nhà trường còn đặc biệt quan tâm tới việc hỗ trợ tư vấn nghề nghiệp trong quá trình học dạy miễn phí bổ sung kiến thức và kỹ năng cho SV cho đến khi SV có việc làm, giới thiệu SV đi kiến tập tại các DN Với những SV khá, giỏi, DN sẵn sàng tiếp nhận vào làm việc và trả lương trong quá trình thực tập và sau khi tốt nghiệp. Đó là cơ sở để Trường ĐH Lạc Hồng cam kết đảm bảo 100% SV có việc làm sau khi tốt nghiệp.
TS Lâm Thành Hiển – Phó Hiệu trưởng thường trực Trường ĐH Lạc Hồng đánh giá cao vai trò của DN đối với hoạt động đào tạo của Trường. DN chính là nơi phản hồi tốt nhất chất lượng đào tạo của Trường. Là một ĐH theo định hướng ứng dụng, chúng tôi luôn chủ động bắt tay, kết nối với doanh nghiệp, không ngừng đổi mới chương trình đào tạo sát với yêu cầu thực tế của các DN và xã hội.
Sau quá trình không ngừng đầu tư cho chất lượng giáo dục và hướng tới tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, ĐH Lạc Hồng đã tạo dựng được uy tín, vị thế trong hệ thống giáo dục đào tạo của Việt Nam, trở thành đối tác tin cậy của các DN, đơn vị nghiên cứu và đào tạo có uy tín trong và ngoài nước.
Với những đóng góp trong quá trình phát triển, Nhà trường đã hai lần vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất do Chủ tịch nước trao tặng cùng nhiều danh hiệu cao quý khác.