Hơn 3 tiếng thăm và làm việc tại Đại học Lạc Hồng, đoàn Công tác Thường trực Tổ biên tập của tiểu ban Kinh tế - Xã hội (Nhóm biên tập chuẩn bị cho Đại hội Đảng) đã lắng nghe và thu thập những thông tin về công tác đào tạo tại Trường Đại học Lạc Hồng trong thời gian qua. Đây là một trong những hoạt động thu thập thông tin chuẩn bị cho Đại hội Đảng sắp tới.
Đoàn Công tác Thường trực Tổ biên tập của tiểu ban Kinh tế - Xã hội
thăm và làm việc tại Đại học Lạc Hồng
Chuyến công tác sáng nay, về phía Đoàn có 7 đồng chí và do đ/c Cao Viết Sinh – Chuyên gia Cao cấp, Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thường trực Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội làm trưởng đoàn; đ/c Nguyễn Bá Ân – Chuyên gia Cao cấp, Nguyên Tổng thư ký Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, Văn phòng Chính phủ; đ/c Bùi Tất Thắng – Chánh văn phòng Tổ Biên tập; đ/c Bùi Xuân Dự - Vụ trưởng Vụ thư ký – Biên tập, Văn phòng Chính phủ; đ/c Bùi Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ Kế hoạch – Đầu tư cùng các đồng chí thuộc Chánh văn phòng Tổ Biên tập.
Đ/c Cao Viết Sinh – Chuyên gia Cao cấp, Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư
lắng nghe ý kiến và có những đánh giá về công tác đào tạo của Trường
Phía lãnh đạo Tỉnh Đồng Nai có: đ/c Nguyễn Thị Hoàng – GĐ. Sở Khoa học Công nghệ; đ/c Nguyễn Hữu Nguyên – Phó GĐ Sở Kế hoạch Đầu tư; đ/c Huỳnh Lệ Giang – GĐ Sở Giáo dục và Đào tạo; các đ/c đại diện Văn phòng Tỉnh ủy và Văn phòng UBND Tỉnh.
Lãnh đạo nhà trường chú tâm lắng nghe những ý kiến đánh giá của Đoàn công tác
Tiếp đoàn có: Bà Đỗ Thị Lan Đài – Chủ tịch HĐQT; Bà Nguyễn Thị Thu Lan – Phó Bí thư Đảng ủy – Phó Hiệu trưởng; Ông Lâm Thành Hiển – Phó HT Thường trực cùng quý ông/bà trong Ban Lãnh đạo, Ban Giám hiệu.
Khảo sát, lắng nghe cùng tháo gỡ
Trước đó, đoàn đã có hoạt động khảo sát các cơ sở chính của Trường, trực tiếp tìm hiểu về hoạt động tại các khu vực thực hành của sinh viên như: Trung tâm Công nghệ Robot, Trung tâm nghiên cứu khoa học và ứng dụng với chuỗi hệ thống các phòng thí nghiệm thực hành của sinh viên nhóm ngành kỹ thuật.
Đoàn đại biểu đã trực tiếp khảo sát hoạt động nghiên cứu sáng tạo của sinh viên
Tại buổi làm việc, sau khi xem qua thước phim báo cáo tổng quát tình hình hoạt động của nhà trường, Đ/C Cao Viết Sinh – Chuyên gia Cao cáp, Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thường trực Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội đặc biệt phát biểu: “Trong bối cảnh các trường tư thực còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với những thành tích về hoạt động nghiên cứu sáng tạo robocon và khoa học kỹ thuật thì cá nhân tôi thấy khâm phục với kết quả của Trường và thật sự rất đáng được khích lệ. Việc ĐH Lạc Hồng đào tạo theo xu hướng ứng dụng. Đây là xu hướng đúng, nhà trường đã có các trung tâm nghiên cứu để đẩy mạnh hoạt động sáng tạo và chuyển giao công nghệ. Nhắc Robocon là nhắc đến Đại học Lạc Hồng, robocon đã trở thành thương hiệu nhưng cần được lan tỏa hơn, hương đến việc thương mại hóa và ứng dụng vào doanh nghiệp và đời sống”.
Đ/c Cao Viết Sinh ân cần thăm hỏi và động viên sinh viên
Bên cạnh những nhận xét đánh giá, khích lệ, các thành viên của đoàn công tác còn đặt nhiều câu hỏi để tìm hiểu sâu hơn về định hướng của ĐH Lạc Hồng trong việc chuyển đổi số; về hoạt động trí tuệ nhân tạo trong đào tạo cũng như cơ chế thúc đẩy phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học với đào tạo và chuyển giao công nghệ; Trường đã tiếp cận các lĩnh vực đến đâu so với mong chờ của doanh nghiệp và những thử thách hạn chế trong đào tạo… với mong muốn giúp Trường tháo gỡ các vấn đề khó khăn.
Mở lòng trước khó khăn và thử thách
Cũng tại buổi làm việc, BLĐ và BGH nhà trường đã “mở lòng” chia sẻ về những nỗ lực của tập thể nhà trường trong 23 năm qua, cũng như những định hướng và khó khăn thử thách đối với vị thế là trường tư thục như Đại học Lạc Hồng.
Trên tinh thần lắng nghe và tháo gỡ những khó khăn
buổi làm việc diễn ra đầy cởi mở
"Cơ chế trường công và trường tư đã là thử thách và trở ngại đối với ĐH Lạc Hồng cũng như các trường tư thục khác. Với định hướng là trường ĐH ứng dụng hàng đầu, những năm trở lại đây nhà trường lựa chọn công tác kiểm định chất lượng theo tổ chức quốc tế ABET - chương trình đào tạo kỹ thuật - công nghệ được thành lập từ năm 1932 bởi các hiệp hội ngành nghề của Mỹ. Các chương trình được ABET kiểm định là các chương trình về kỹ thuật, công nghệ, điện toán, khoa học ứng dụng. Sinh viên theo học chương trình này sẽ được cấp bằng cấp quốc tế, qua đó hỗ trợ cho người học trong quá trình làm việc trong và ngoài nước, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Trường luôn nỗ lực với “khát vọng dẫn đầu”“ – Ông Lâm Thành Hiển - Phó Hiệu trưởng thường trực chia sẻ.
Qua đó, Bà Đỗ Thị Lan Đài – Chủ tịch HĐQT nhấn mạnh: “Đầu ra quyết định đầu vào, chính vì thế chương trình đào tạo của nhà trường rất sát thực tế doanh nghiệp. Về Trường tư thục thì nội lực và cả tài chính đều hạn chế. Nhưng tập thể Trường vẫn nỗ lực không ngừng để đạt được mục tiêu trong hoạt động kiểm định, hướng đến đào tạo theo thị trường toàn cầu ngoài chuyên môn còn cần đáp ứng kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng hội nhập. Sinh viên tốt nghiệp ra trường không chỉ có việc làm, mà lương phải cao và năng lực đủ để cạnh tranh toàn cầu. Hiện tại về quy mô quỹ đất không có nên rất khó để thực hiện nguyện vọng xây dựng cơ sở rộng lớn để quy tụ sinh viên. Khi vị thế cạnh tranh không công bằng, rất mong nhà nước sẽ xem xét xây dựng chủ trương chính sách về hỗ trợ cho trường tư thục, đặc biệt là Đại học Lạc Hồng có thể thực hiện được tham vọng và mong muốn mở rộng quy mô ra ngoài phạm vi tỉnh nhà, thậm chí là ra quốc tế".
Từ những chia sẻ và kiến nghị của nhà trường, phía đoàn công tác Thường trực Tổ biên tập cũng đã có những minh chứng thu thập để trình báo tới cấp lãnh đạo. Mong rằng những nguyện vọng và mục tiêu phát triển của Đại học Lạc Hồng nói riêng và các trường đại học ngoài công lập nói chung sẽ sớm đón nhận những chính sách và hỗ trợ của các cấp lãnh đạo, giúp các trường có đủ điều kiện để hoàn thành mục tiêu sứ mạng của mình.