Hưởng ứng năm quốc gia khởi nghiệp 2016, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động khích lệ, nhân rộng tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Ðể tinh thần khởi nghiệp thực sự lan tỏa, tác động tích cực vào nhận thức và hành động của giới trẻ đòi hỏi có sự chung tay của toàn xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của nhà trường.
Báo Lao động Đồng Nai nói về hoạt động thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của SV ĐH Lạc Hồng
Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp
Khởi nghiệp đang là vấn đề thời sự được toàn xã hội quan tâm. Bên cạnh vai trò của Chính phủ, địa phương trong việc xây dựng thể chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thì tinh thần khởi nghiệp của người trẻ là rất quan trọng. Nói về vấn đề này, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Ðặng Văn Ðiềm nhận định, Ðồng Nai là địa phương có nhiều tiềm lực phát triển về cả công nghiệp lẫn nông nghiệp, giao thông, chính sách hỗ trợ… Ðây là môi trường khởi nghiệp lý tưởng của giới trẻ. Tuy nhiên, tinh thần khởi nghiệp của đa phần các bạn trẻ chưa quyết liệt, chưa tìm được hướng đi. Tâm lý tìm một công việc trong cơ quan nhà nước nhằm ổn định sau khi ra trường là khá phổ biến. Bên cạnh đó, một bộ phận giới trẻ hiện nay vẫn còn “ì ạch” trong tư tưởng, không phải lo kinh tế hay mất quá nhiều thời gian vào mạng xã hội và các hoạt động giải trí. Do đó, các trường cần đưa vào chương trình đào tạo các chính sách phát triển hiện nay trong từng ngành nghề liên quan để sinh viên có thể nhận biết và mở tư duy. Cùng với đó, phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức để hướng cho các bạn trẻ nghiên cứu, đồng thời tìm ra các cách thức để tận dụng các chính sách này, từ đó mạnh dạn hơn trong quá trình xây dựng dự án của riêng mình.
LHU đã làm gì để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên?
Song song với việc nâng cao chất lượng đào tạo, Trường đại học Lạc Hồng cũng đã tăng cường nhiều giải pháp mới cho chương trình đào tạo. Nắm bắt xu thế đào tạo theo nhu cầu hội nhập, qua đó mỗi người trẻ là người làm chủ tương lai, bằng những ý tưởng mới, sáng tạo và táo bạo. Bên cạnh hoạt động đào tạo chính khóa tại trường, Đại học Lạc Hồng còn tích cực xây dựng các chương trình và hoạt động ngoại khóa nhằm khích lệ tinh thần khởi nghiệp cũng như trang bị kỹ năng cho sinh viên. Hướng đi đó, vừa thể giúp nhà trường đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp, đồng thời vừa giúp sinh viên nhạy bén trong tư duy và phát triển những ý tưởng tìm ẩn. Cụ thể, nhà trường đã mời các doanh nhân tham gia giảng dạy “kỹ năng mềm” cho sinh viên như: kỹ năng giao tiếp và thuyết trình; kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng làm hồ sơ xin việc và phỏng vấn.
Từ năm 2012 đến nay, chương trình khởi nghiệp không chỉ tiếp cận được với sinh viên Khối Kinh tế, mà còn lang rộng trong toàn trường, khơi nguồn cho những ý tưởng kinh doanh thông qua các khóa đào tạo khởi nghiệp, cuộc thi khởi nghiệp hay câu lạc bộ khởi nghiệp. Bên cạnh việc cung cấp cho sinh viên nền tảng kiến thức từ việc xây dựng ý tưởng, phát triển và triển khai kế hoạch kinh doanh, các khóa đào tạo khởi nghiệp còn khơi dậy tinh thần và niềm đam mê, đồng thời tạo sân chơi gặp gỡ, chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên. Nhà trường cũng phối hợp tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề, giao lưu giữa sinh viên với doanh nhân thành đạt, tham quan mô hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như hỗ trợ các dự án có tính khả thi trong cuộc thi khởi nghiệp.
Sinh viên ĐH Lạc Hồng tham gia tập huấn kỹ năng quản lý thiết bị
Với việc khởi động thành công cuộc thi “Khởi nghiệp cùng sinh viên Lạc Hồng”, mục tiêu khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên đang được Trường đại học Lạc Hồng tích cực thực hiện. Theo TS.Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng nhà trường, ngay trong ngày khai giảng năm học mới, thông điệp về chương trình khởi nghiệp đã được nhấn mạnh và chuyển tải đến đông đảo sinh viên. Theo đó, hoạt động khởi nghiệp không chỉ mang đến thu nhập cho chính cá nhân mà còn tạo việc làm cho nhiều người khác. Sinh viên có thể tự mình làm chủ, phát triển những ý tưởng, dự án của mình sau khi tốt nghiệp. Ðây cũng là hoạt động phù hợp với xu thế trên thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, thị trường lao động rộng mở cho đội ngũ lao động trẻ đón nhận những cơ hội và cả thử thách nghề nghiệp. Nhà trường đã lồng ghép giảng dạy về chương trình khởi nghiệp, chú trọng trang bị ngoại ngữ, kỹ năng mềm cũng như văn hóa doanh nghiệp cho sinh viên. Ðặc biệt có sự hợp tác với các doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện để sinh viên thực tập dài hạn, tiếp xúc với các cơ hội nghề nghiệp cũng như tạo môi trường để sinh viên thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình một cách bài bản, chuyên nghiệp.
Ý tưởng khởi nghiệp từ các cuộc thi
Sau gần 5 tháng khởi động, cuộc thi “Khởi nghiệp cùng sinh viên Lạc Hồng” đã chọn ra 10 dự án có ý tưởng kinh doanh tốt nhất để dự thi vòng “Thực hiện hóa ý tưởng kinh doanh”. Là năm đầu tiên tổ chức, song cuộc thi đã được sinh viên nhà trường đón nhận với những dự án được đánh giá cao. TS.Nguyễn Văn Tân -Trưởng khoa Quản trị Kinh tế Quốc tế cho biết, cuộc thi nhằm giúp sinh viên phát huy tinh thần sáng tạo và ý chí tự lập, áp dụng những kiến thức đã học để lập ra những dự án khởi nghiệp có tính khả thi trong đời sống kinh doanh thông qua các hoạt động thiết thực: tư vấn, đào tạo và cung cấp thông tin khởi nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vốn, các nhà đầu tư, triển khai thực hiện các dự án kinh doanh trong thực tế...
SV làm NCKH và thực hành ý tưởng tại một góc phòng thực hành Lac Hong Open workshop
Với sự tham gia của các doanh nghiệp, cuộc thi khởi khiệp đã tạo cơ hội để người trẻ biến ước mơ, hoài bão của mình thành hiện thực. Cũng thông qua cuộc thi, tinh thần khởi nghiệp được khích lệ, góp phần hình thành lớp doanh nhân trẻ từ sinh viên trên nhiều lĩnh vực. Theo đó, sinh viên sẽ được đào tạo chuyên sâu, miễn phí các chuyên đề liên quan đến lập kế hoạch khởi nghiệp, phân tích thị trường, phân tích các yếu tố đầu vào, phân tích tài chính và kêu gọi đầu tư. Thông qua cuộc thi, ý tưởng kinh doanh được thực hiện một cách bài bản và thực tế hơn rất nhiều so với nhận thức của sinh viên. Ðặc biệt, những dự án có tính khả thi cao sẽ nhận được cơ hội tài trợ vốn để triển khai trong thực tế. Ðến nay, đã có một số dự án được đánh giá cao như: “Kinh doanh chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tại TP. Biên Hòa” hay “Nước uống giải khát hỗ trợ ngăn ngừa ung thư được chiết xuất từ cây chùm ngây”…
Giúp sinh viên hiện thực hóa các ý tưởng
Đầu năm 2016, Trường đại học Lạc Hồng đã vận động đầu tư phòng thực hành Lac Hong Open workshop nhằm cung cấp thiết bị thực hành giúp sinh viên hiện thực hóa các ý tưởng của mình thành sản phẩm thực tế. Đây là sân chơi, phòng thực hành, xưởng chế tạo mở cửa tự do cho các bạn sinh viên, là môi trường để sinh viên, giảng viên và các công ty sản xuất có thể cùng làm việc với nhau để phát triển các sản phẩm mới. Theo đó, shop có kinh phí đầu tư hơn 500 triệu đồng, cung cấp đầy đủ các loại dụng cụ cầm tay, dụng cụ sử dụng điện, máy công cụ, máy tính, tư vấn kỹ thuật và các lớp đào tạo miễn phí, hỗ trợ cho các bạn sinh viên trong hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học, tự chế tạo sản phẩm. Nhằm phát huy tối đa công năng của shop, sinh viên tham gia sẽ được tập huấn về cách thức sử dụng hiệu quả và an toàn cho từng thiết bị và máy công cụ. Đây cũng là một trong các mô hình giúp sinh viên đến gần hơn với môi trường lao động thực tế, tạo bước đệm cần thiết trong quá trình khởi nghiệp.