Công nghệ sinh học (CNSH) ngày càng có ý nghĩa đối với đời sống con người. Nhận thức được tầm quan trọng đó, nhà nước đã ưu tiên đầu tư rất lớn cho những nghiên cứu và những kế hoạch mang tính ứng dụng trong lĩnh vực CNSH. Do đó, các cử nhân/ kỹ sư tốt nghiệp ngành CNSH có rất nhiều cơ hội việc làm khi ra trường.
Nắm bắt được định hướng phát triển trên, đồng thời với lợi thế nằm gần các khu công nghiệp lớn như: Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa, KCN Loteco, KCN Amata, KCN Hố Nai, KCN Sóng Thần,…luôn có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao. Năm 2005, trường Đại học Lạc Hồng đã mở ngành Công nghệ Sinh học và năm 2006 đã tuyển sinh khóa đầu tiên.
Ngành Công nghệ Sinh học Trường Đại học Lạc Hồng (Mã ngành: D420201) tuyển sinh cả hai khối A, B. Thời gian đào tạo 4 năm rưỡi; Chương trình đào tạo được thiết kế gồm 140 tín chỉ dựa trên cơ sở chương trình khung của Bộ GDĐT, đồng thời tham khảo chương trình đào tạo tiên tiến của các nước phát triển. Sau khi hoàn thành chương trình học sinh viên sẽ được cấp bằng Kỹ sư Công nghệ Sinh học.
Sinh viên ngành Công nghệ Sinh học sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên, đặc biệt là các kiến thức chuyên ngành như: cơ sở hóa học của sự sống, các quy luật sinh học, cấu tạo tế bào, sự trao đổi chất của sinh vật, các kiến thức về quá trình và thiết bị cơ bản trong công nghệ sinh học, công nghệ vi sinh vật, công nghệ gen, công nghệ protein- enzyme, công nghệ tế bào, công nghệ lên men,... Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên liên kết với các công ty, đơn vị sản xuất có liên quan giúp sinh viên sớm tiếp xúc với thực tế. Chính vì thế, sau khi tốt nghiệp, sinh viên không còn bỡ ngỡ trước môi trường làm việc thực tế năng động và nhiều biến đổi.
Vị trí và nhu cầu tuyển dụng đa dạng
Kỹ sư Công nghệ Sinh học có thể làm việc ở những lĩnh vực như: y dược (chẩn đoán bệnh, chế biến thuốc, văcxin); môi trường (xử lý môi trường, đánh giá mức độ độc hại của sản phẩm, xử lý chất thải, bảo vệ môi sinh...); nông - lâm - ngư (giống, bệnh, chất lượng), công nghiệp (lên men công nghiệp, vật liệu sinh học, thuốc, chế biến); tin - sinh học (genomics, proteomics, công nghệ protein...); hoặc các cơ quan quản lý; các cơ sở kinh doanh thiết bị, vật tư, hóa chất có liên quan đến lĩnh vực công nghệ sinh học; hay các trường, các viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu có các hoạt động liên quan đến công nghệ sinh học.
Nhà trường đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, phục vụ tối đa các giờ học thực hành của sinh viên
Trong những năm qua khoa Công nghệ Sinh học – Môi trường trường ĐH Lạc Hồng đã đào tạo và cung ứng cho nhu cầu của xã hội gần 500 kỹ sư CNSH tại tỉnh Đồng Nai và các địa phương khác trong cả nước, góp phần bổ sung thêm nguồn lực tri thức cần thiết trên con đường phát triển đất nước.
Với chương trình đào tạo hiện đại được cập nhật thường xuyên, thực tế, hệ thống phòng thí nghiệm trang bị đầy đủ thiết bị học tập và nghiên cứu, đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, tâm huyết với nghề. Khoa CN Sinh học – Môi trường là địa chỉ đáng tin cậy để các phụ huynh gửi gắm con em mình vào học. Đặc biệt với nhu cầu xã hội hiện nay, sinh viên ngành Công nghệ Sinh học sẽ có nhiều cơ hội việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo của mình.