Gương mặt Robocon

Chàng trai chăm chỉ Ngô Hoàng Đăng

Đăng trong màu áo LH-B7. “Từ sân chơi robot đã cho mình có thành công hôm nay. Đó là kiến thức thực tế, chứ không là lí thuyết thuần túy trên sách vở. Mình hạnh phục, vì mỗi lần trở về nơi mình đã từng sinh, có những đứa trẻ nói rằng, đã nhận ra mình trên truyền hình khi lên nhận giải tại cuộc thi robot. Và mình tự hào vì từ những giải thưởng robot, những tấm bằng khen của UBND tỉnh Đồng Nai mà mình được nhận đã tạo được lòng tin cho doanh nghiệp khi phỏng vấn tuyển dụng”.

“Sự chăm chỉ luôn mang đến thành công”

    Ngày đó,  mỗi lần thầy Thuận hô “Đội bảo trì sân đâu rồi ?” là tôi lại thấy Đăng, Đăng chăm chỉ đến mức khi Roboconshop làm sân cho Lạc Hồng anh làm  phụ và quen việc luôn nên Roboconshop đã xem Đăng như một nhân viên của Roboconshop. Tôi thầm nghĩ chàng trai này rồi sẽ rất thành công  và quả thật là như vậy. Hiện nay,  Ngô Hoàng Đăng đang là kỹ sư bộ phận Electrical Technican của Công ty Baosteel Canmaking Việt Nam (KCN VSip 2, tỉnh Bình Dương) với mức lương trên 10 triệu đồng mỗi tháng.

Biến ước mơ thành hiện thực

    Ngô Hoàng Đăng sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Đắc Min (tỉnh Đắc Nông).  Đăng kể lại, những năm học THPT  Đăng rất mê xem thi đấu robot trên truyền hình. Ước mơ có ngày được góp mặt tại sân chơi robot của Đăng xuất phát từ chính những mùa xem robocon trên truyền hình. Năm 2007 Đăng quyết định thi vào khoa Điện tử của Trường đại học Lạc Hồng để thỏa mơ ước chơi robot, đồng thời trở thành một kỹ sư điện tử sau khi ra trường.

    Nhờ sự dẫn dắt của các thầy cô, các sinh viên đàn anh, mà  Đăng có điều kiện tiếp cận dần với việc chế tạo robot. Ban đầu là chỉ ngồi nhìn, tìm hiểu, nghiên cứu và ghi chép, sau đó là bắt tay vào thiết kế những bộ phận đơn giản, rồi đến phức tạp. “Trong quá trình thiết kế, sửa chữa robot, những gì mình chưa hiểu, hoặc cần biết chuyên sâu hơn, khi hỏi đều được các thầy, các anh sinh viên lớp trước chỉ bảo rất tận tình. Điều kiện để được tiếp cận sâu với các kiến thức thực tế như vậy, chỉ có thể đến từ sân chơi robot”.

    Thành quả đầu tiên của  Đăng và những đồng đội là trong màu áo của Đội LH-BEE đạt giải Ba cuộc thi sáng tạo robot toàn quốc năm 2010, tại TP. Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắc Lắc). Một năm sau tại TP. Đà Nẵng, Đăng và đồng đội trong đội hình robot LH-B7 đã  xuất sắc giành chức vô địch cuộc thi sáng tạo robot Việt Nam 2011, đồng thời đại diện cho Việt Nam giành giải ba tại cuộc thi sáng tạo robot châu Á - Thái Bình Dương 2011 tại thủ đô Băng Kok (Thái Lan).

    Là người đam mê robot, từng đoạt giải trong nước và quốc tế, nhưng Đăng lại tiết lộ một sự thật thú vị, rằng “Mình chưa từng điều khiển robot thi đấu chính thức bao giờ cả”. Đăng lí giải, do tâm lí không được “cứng” nên anh chủ yếu đứng làm nhiệm vụ sau “sân khấu”,  đó là thiết kế, chế tạo, sửa chữa robot. Sau khi thiết kế, Đăng cũng là người trực tiếp lên Chợ Nhật Tảo (tại TP.Hồ Chí Minh) để mua linh kiện về lắp ráp cho robot. Nếu như nhiệm vụ điều khiển robot để thi đấu đòi hỏi “thần kinh thép”, thì công việc thiết kế và sửa chữa robot lại là công việc đòi hỏi kiến thức vững vàng, khả năng sáng tạo, tính siêng năng và tỉ mỉ, vì một con robot khi hoàn thành có tới cả vài ngàn chi tiết cơ khí, mạch điện tử và thao tác lập trình. “Người thiết kế robot cần đảm bảo chắc chắn, rằng khi các chú robot ra sân là phải “chuẩn không cần chỉnh”, và các thành viên cứ vậy mà điều khiển robot thi đấu” - anh Đăng nói về nhiệm vụ mà mình được phân công.


 Màu áo robocon LH đầy tư hào luôn theo Đăng trong những ngày ở Thượng Hải

Từ sân chơi đến cơ hội việc làm

    Từ sân chơi robot đã đưa  Đăng tiếp cận cơ hội việc làm một cách ngắn nhất và thuận lợi nhất. Sau khi trở về từ Thái Lan tháng 8-2011 với giải ba cuộc thi sáng tạo robot châu Á - Thái Bình Dương,  Đăng được miễn kỳ thực tập. Không những thế, anh còn được Công ty TNHH Baosteel Canmaking Việt Nam tuyển dụng. Đợt tuyển dụng Baosteel Canmaking Việt Nam tại Trường đại học Lạc Hồng cần nhiều vị trí khác nhau, và Đăng là một trong những người may mắn trúng tuyển. Sau ký hợp đồng lao động với mức lương khởi điểm 7 triệu đồng,  Đăng đã được công ty đưa sang Thượng Hải (Trung Quốc) đào tạo nâng cao trong thời gian hơn 4 tháng về cơ khí, điện tử và bảo trì máy.

     “Những kiến thức có được trước đó tại Trường đại học Lạc Hồng, đặc biệt là từ sân chơi robot đã giúp mình có được nền tảng rất quan trọng, tạo tiền đề tiếp thu những kỹ năng nâng cao tại nước ngoài” - Đăng cho biết. Tính đến nay  Đăng đã có hơn 3 năm làm việc tại Baosteel Canmaking Việt Nam, mức lương mà anh được nhận mỗi tháng đã tăng lên 10 triệu đồng. “Mình tự hào là một trong những kỹ sư Việt Nam đầu tiên được tuyển dụng tại Baosteel Canmaking khi nhà máy được xây dựng tại Việt Nam, và trước mắt mình còn rất nhiều cơ hội để thử sức mình” -  Đăng chia sẻ.

    Hệ thống máy móc của Baosteel Canmaking Việt Nam được nhập toàn bộ từ châu Âu, do đó nếu hỏng hóc linh kiện, thường mất rất nhiều thời gian để đặt nhà sản xuất chuyển từ châu Âu sang. Nếu phải ngưng cả hệ thống máy trong thời gian dài, chỉ vì một linh kiện, sẽ gây thiệt hại rất lớn. Tuy nhiên, với các kiến thức tích lũy được trong quá trình thiết kế robot, nắm được chức năng của từng linh kiện có thể thay thế linh kiện nhập khẩu nên Đăng thường tư vấn cho công ty kế hoạch khắc phục, bằng cách tìm nguồn linh kiện tương tự, có ngay tại thị trường Việt Nam, và chính anh là người đi tìm mua những linh kiện đó. Đăng cho biết thêm “Có những sự cố, công ty cứ nghĩ chỉ có hàng ở châu Âu mang về mới khắc phục được. Tuy nhiên, nhiều lần em đã làm công ty bất ngờ, vì em tìm được những linh kiện đó ngay tại Việt Nam, khiến công ty rất thán phục, từ đó càng tin tưởng vào khả năng của em”

    Đã tốt nghiệp Trường đại học Lạc Hồng được hơn 3  năm, thế nhưng Đăng luôn hào hứng, khi nói về những tháng ngày được trải nghiệm không khí “ăn - ngủ cùng robot”. Đăng tự hào nói “Dù mình chưa một lần điều khiển robot trên sàn đấu, nhưng mình hạnh phúc là người đã thổi hồn vào những con robot, để chúng có thể chạy nhanh, ổn định và luôn giành chiến thắng. Nếu thời gian có thể quay trở lại về mốc 7 năm trước, chắc chắn mình sẽ lại bắt đầu bằng con đường đam mê robot, như đã từng trải qua ở Trường đại học Lạc Hồng”

 Đăng trong những ngày đầu đi làm

Thầy Lâm Thành Hiển

robocon, robocon 2014, aburobocon, robocon india, lạc hồng, ý tưởng robot


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        625,498       1/659