Khi xem các giải đấu tại cuộc thi Sáng tạo Robot 2013, cứ mỗi lần đội tuyển LH-NVN EAGLE ra sân thì chúng tôi lại được nghe những lời khen ngợi của các bạn nữ đang xem robot “Anh chàng điều khiển robot bằng tay đẹp trai quá”. Điều ấy cũng hoàn toàn trùng hợp với ấn tượng ban đầu của chúng tôi về Nguyễn Thế Hải - đội trưởng đội LH-NVN EAGLE.
Trưởng thành cùng robot
Tâm sự với chúng tôi, Hải bảo rằng: “Khi còn đang học cấp III, em đã được biết đến và rất ấn tượng với phong trào robot của trường đại học Lạc Hồng. Chính vì thế, vào thời điểm chọn trường để thi đại học, trong khi bạn em còn đang phân vân lựa chọn thì em đã nhắm ngay vào ngành Cơ điện điện tử của trường Lạc Hồng để thỏa giấc mơ làm robot của mình”.
Niềm say mê công nghệ ấp ủ trong lòng chàng học sinh Bình Thuận đã nhanh chóng được phát triển tại trường Đại học Lạc Hồng. Hải nhớ lại, năm 2009, mới bước chân vào trường, Hải đã được một số anh sinh viên khóa trên rủ vào sinh hoạt trong Câu lạc bộ Tự động hóa của trường. Nhờ những buổi học tập sinh hoạt trong câu lạc bộ mà niềm đam mê và khả năng chế tạo robot của Hải được phát triển nhanh chóng. Ngay mùa robot năm 2010, đội robot LH-NVN của Hải và những người bạn đã vượt qua vòng thi cấp trường để được dự vòng loại khu vực phía Nam. Mặc dù mùa robot năm đó, đội tuyển LH-NVN không vào được vòng chung kết toàn quốc nhưng niềm say mê và quyết tâm chinh phục sân chơi này của Hải ngày càng cháy bỏng.
Hải nói: “Sân chơi công nghệ robot đã cho sinh viên ngành kỹ thuật chúng em tình yêu công nghệ và nhiều điều bổ ích. Đó là cơ hội hữu ích để thực tế hóa lí thuyết trên giảng đường, rèn kỹ năng sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, bản lĩnh, đặc biệt là tinh thần không bao giờ đầu hàng những khó khăn, hoặc sờn lòng khi thất bại”. Từ những bài học đó, Hải và các bạn của mình đã không ngừng vươn lên trong sân chơi công nghệ robot với đội robot nghe tên là đã rất quen thuộc: LH-SEE. Đội tuyển LH-SEE vượt qua vòng loại cấp trường, vượt qua vòng loại phía Nam và giành quyền chơi hoàn toàn thuyết phục tại vòng chung kết toàn quốc năm 2012. Năm 2013, trước khi ra trường, Hải và những người bạn của mình đã ghi dấu ấn không thể quên tại cuộc thi truyền thống của sinh viên ngành kỹ thuật, đó là giải Nhì cuộc thi robot Việt Nam và tiếp đó giành giải Ba cuộc thi Sáng tạo robocon châu Á Thái Bình Dương.
Tốt nghiệp đúng thời hạn, làm đúng chuyên môn
Nhiều người cứ bảo sinh viên tham gia các cuộc thi robocon là sẽ nợ môn, là tốt nghiệp không đúng tiến độ. Hải đã chứng minh điều đó là không đúng. Anh đã tốt nghiệp đúng thời hạn và có được công việc ổn định, đúng chuyên môn ngay cả trước lúc tốt nghiệp - điều mà bất kỳ sinh viên nào cũng mong ước. Hải chia sẻ: “Tập đoàn Posco nơi em làm việc khi tuyển chọn nhân viên đã rất coi trọng khả năng làm việc thực tế”. Thành tích giải Nhì cuộc thi sáng tạo robot Việt Nam và giải Ba cuộc thi Sáng tạo robocon châu Á Thái Bình Dương cùng với khả năng trả lời phỏng vấn thông minh, có kiến thức chuyên sâu ở những câu hỏi về công nghệ, Hải đã được Tập đoàn Posco tuyển dụng với mức lương khởi điểm mà như Hải nói là “Còn hơn cả mong muốn ban đầu của em”.
Dù là một kỹ sư mới ra trường, nhưng công việc mà Hải được giao lại rất quan trọng. Đó là công đoạn kiểm tra, vận hành thử, tìm sự cố, khắc phục sự cố và vận hành chính thức nhà máy sản xuất thép công nghiệp mới được lắp ráp. Đây là công việc đòi hỏi phải có kiến thức đa dạng về công nghệ nói chung trong đó có công nghệ cơ khí, điện tử và tự động hóa. Những kiến thức mà Hải được học tại trường đại học Lạc Hồng cùng với những trải nghiệm từ sân chơi công nghệ robot đã giúp anh hoàn toàn tự tin trong công việc mới. Hải vui mừng tâm sự “Mỗi lần hoàn thành xuất sắc công việc được giao, được công ty đánh giá cao, em cảm thấy hạnh phúc, và không quên công ơn của cha mẹ, thầy cô đã nuôi dạy và trang bị cho mình một hành trang vững tin vào đời”.
Những ngày thầy trò cùng nhau tập luyện để thi đấu giải robocon Châu Á Thái Bình Dương, Hải đã nói với tôi “Em tin mình đã lựa chọn đúng khi thi tuyển vào trường Lạc Hồng. Bốn năm rưỡi học ở Lạc Hồng đã cho em tất cả, đó là được học những gì em thích, có được những người thầy tâm huyết, môi trường thực hành đầy đủ, nơi thực tập với nhiều lựa chọn, kèm theo là cơ hội việc làm đa dạng. Nhưng điều tiên quyết nhất là em đã hiểu là phải biết tự học, tự khám phá và sáng tạo, chứ không phải chỉ biết ngồi ở giảng đường”. Còn ba của Hải, bác Nguyễn Thế Thành (năm nay 59 tuổi), thì cho biết ngắn gọn: “Tôi là người đã định hướng cho con vào học tại Trường đại học Lạc Hồng. Tôi hài lòng với những gì mà nhà trường đã trang bị cho con trai tôi”.
Hải tại cuộc thi robocon Châu Á Thái Bình Dương và những ngày đầu tiên đi làm