Vai trò công đoàn với việc tham gia góp ý xây dựng chế độ, chính sách đối với nhà giáo, đảm bảo đời sống nhà giáo bằng chính tiền lương nghề dạy học, chính sách đãi ngộ và tôn vinh để đội ngũ nhà giáo tâm huyết với nghề dạy học.
1. Đổi mới toàn diện và căn bản nền giáo dục Việt Nam là tất yếu khách quan.
Lúc sinh thời Bác chỉ mong “Nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” đó là tâm nguyện cả đời của Bác và Bác cũng chỉ rõ “một dân tộc dốt là dân tộc yếu”. Bác nhận thấy việc học tập, giáo dục vô cùng quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội, xã hội chủ nghĩa. Quán triệt tư tưởng này, Nghị quyết của Đại hội lần thứ IV của Đảng (1979) đã ra quyết định số 14-NQTƯ về cải cách giáo dục với tư tưởng: Xem giáo dục là bộ phận quan trong của cuộc cách mạng tư tưởng; thực thi nhiệm vụ chăm sóc và giáo dục thế hệ trẻ từ nhỏ đến lúc trưởng thành; thực hiện tốt nguyên lý giáo dục “học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”. Tư tưởng trên tiếp tục được phát triển, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu thực tế qua các kỳ Đại hội VII, VIII, IX, X, XI của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đã được Đại hội VII xem là “quốc sách hàng đầu”. Đó là một động lực thúc đẩy và là một điều kiện cơ bản bảo đảm việc thực hiện những mục tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước. Phải coi đầu tư cho giáo dục là một trong những hướng chính của đầu tư phát triển, tạo điều kiện cho giáo dục đi trước và phục vụ đắc lực sự phát triển kinh tế - xã hội. Đại hội Đảng lần thứ VIII khẳng định một lần nữa vai trò quan trọng của giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Coi trọng cả 3 mặt của giáo dục: mở rộng qui mô, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đổi mới hệ thống giáo dục chuyên nghiệp và đại học, kết hợp đào tạo với nghiên cứu, tạo nguồn nhân lực đủ khả năng tiếp cận với công nghệ tiên tiến. Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra nhiệm vụ “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam”. Để cụ thể hóa việc thực hiện về đổi mới giáo dục theo chủ trương của Đảng, bằng Công văn số 706/CĐN Công đoàn giáo dục Việt Nam triển khai về tổ chức tham luận “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam” để tập hợp ý kiến đóng góp của đội ngũ cán bộ, đoàn viên và người lao động trong ngành giáo dục, làm cơ sở góp phần thực hiện đổi mới giáo dục.
2. Đảm bảo đời sống, tôn vinh nhà giáo là vấn đề cốt lõi để đổi mới giáo dục và đào tạo
Việc đổi mới giáo dục nhầm đáp ứng xu hướng của thế giới là toàn cầu hóa và nền kinh tế tri thức, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sản phẩm của giáo dục là tri thức, kiến thức, kỹ năng mà người học có được sau khi tham gia vào hoạt động giáo dục và đào tạo. Để có học trò giỏi thì cần những người Thầy hay và làm như thế nào để có “Danh sư xuất cao đồ” thì thời gian qua Nhà nước đã có nhiều chương trình, dự án cải cách nhầm nâng cao số lượng, chất lượng của đội ngũ nhà giáo như: Đề án 322 đưa Cán bộ, Giáo viên đi đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, cho mở nhiều trường Đại học và sau Đại học, các chương trình liên thông, liên kết…Nhà nước cũng quan tâm, chăm lo đời sống Cán bộ, Giáo viên, qua những lần cải cách về chế độ, chính sách tiền lương đã từng bước nâng cao đời sống của đội ngũ nhà giáo, điều này được minh chứng bằng Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Sau đó là Thông tư liên tịch số 50/2008/TTLT – BGDĐT – BNV – BTC của Bộ GDĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính về trả lương dạy thêm giờ, gần đây nhất là Nghị định 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 Về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo.
Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế có hạn nên với chính sách tiền lương dành cho đội ngũ nhà giáo hiện nay, có một số Cán bộ, Giáo viên chưa thể sống được bằng chính tiền lương dạy học của mình, nhất là Giáo viên trẻ mới vào nghề với mức thu nhập khoản 2 đến 2,5 triệu đồng thật sự khó trang trải trong thời “bảo giá” hiện nay. Bên cạnh đó nghề dạy học là nghề cao quý, được xã hội tôn trọng vì vậy họ không thể kiếm thêm bằng những hoạt động khác không phù hợp với nghề nhà giáo. Dẫn đến có một số Cán bộ, Giáo viên không thể gắn bó với nghề mặt dù rất yêu nghề, vậy hiện nay các trường Đại học làm thế nào để giải quyết vấn đề “chảy máu chất xám” và nâng cao đời sống cho Cán bộ, Giảng viên.
3. Công đoàn Đại học Lạc Hồng với chính sách tiền lương, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ nhà giáo:
Đối với trường Đại học Lạc Hồng của chúng tôi, là một trường ngoài công lập, được tọa lạc tại thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai, sau gần 15 năm đi vào hoạt động đến nay trường có trên 520 Cán bộ, Giảng viên cơ hữu, đây là thành tích đáng khích lệ đối với trường Đại học ngoài công lập. Vì là một Trường Đại học ngoài công lập ngoài việc thực hiện theo chính sách của Nhà nước chúng tôi còn phải tự trang trải mọi chi phí cho hoạt động nhà trường. Vì vậy để nâng cao đời sống cho Cán bộ, Giảng viên, BCH Công đòan chúng tôi hàng năm vào đầu mỗi năm học, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, căn cứ tình hình hoạt động của nhà trường, tình hình kinh tế xã hội và điều kiện sống của người lao động. BCH Công đoàn đã ngồi lại với HĐQT, Ban giám hiệu nhà trường cùng nhau bàn bạc, góp ý xây dựng các chế độ, chính sách cho người lao động và đi đến ký thỏa ước lao động tập thể. Các điều khoản tại thỏa ước lao động tập thể thiết thực, đảm bảo lợi ích của người lao động, luôn có lợi hơn so với bộ luật lao động cụ thể như sau:
Với chính sách tiền lương của nhà trường hiện nay, thì thu nhập của mỗi Cán bộ, Giảng viên, bình quân khoản 8,3 triệu đồng/tháng, so với mặt bằng thu nhập chung của địa phương thì mức thu nhập trên có thể nói tạm đảm bảo cho đời sống của nhà giáo và người lao động. Ngạch bậc lương cơ bản của nhà trường luôn cao hơn ít nhất là 0,2 so với ngạch bậc lương cơ bản nhà nước, mức lương được tính như sau: Lương cơ bản (theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP) + phụ cấp dân lập (100% lương cơ bản) + Tiền ăn (45 ngàn đồng/ngày). Ngoài ra đối với Cán bộ quản lý không tham gia giảng dạy được nhân thêm hệ số 1.15 vào lương; đối với Giảng viên sau khi thực hiện xong các nghĩa vụ trường giao nếu có giảng dạy thêm thì được tính bằng thù lao của Giảng viên thỉnh giảng như Tiến sĩ: 110.000 đồng/1 tiết, Thạc sĩ: 90.000 đồng/tiết.
Ngoài việc góp ý xây dựng chế độ tiền lương thì trong Thỏa ước lao động tập thể cũng đề cập đến chính sách đãi ngộ khác cụ thể như sau:
Khuyến kích Cán bộ, Giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ, kỹ năng nghiệp vụ và đổi mới công tác quản lý… cụ thể, hỗ trợ 20 triệu đồng/người khi học Thạc sĩ, 30 triệu đồng/người khi học Tiến sĩ, ngoài ra còn được hưởng 100% lương trong thời gian đi học; Giảng viên nghiên cứu khoa học được khen thưởng 3 triệu đồng/đề tài NCKH cấp bộ; 2triệu đồng/ NCKH cấp tỉnh; 1 triệu đồng/ NCKH cấp trường, ngoài ra còn được miễn 150 tiết nghĩa vụ của mình; Khen thưởng 1,5 triệu đồng/ một sáng kiến kinh nghiệm.
Về chăm lo sức khỏe và tinh thần cho Cán bộ, Giảng viên: Hàng năm Công đoàn góp ý với Ban giám hiệu và tổ chức mời Trung tâm Medic đến khám chữa bệnh; tổ chức từ 01 đền 02 đợt nghỉ dưỡng (chi phí cho một người trung bình 3,5 triệu đồng); tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, các hội thi văn nghệ, thể thao, cắm hoa, nấu ăn…. Ngoài ra hàng năm vào ngày nhà giáo (20/11) Công đoàn và Ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức long trọng để tôn vinh nhà giáo, tổ chức Hội nghị Cán bộ, Giảng viên và công nhân viên tại các buổi lễ tính dân chủ được phát huy, nhân cách được tôn trọng, biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong năm.
Ngoài ra Công đoàn cũng tham gia vào hoạt động tư vấn, đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho các Doanh nghiệp tại địa bàn tỉnh Đồng Nai và vùng lâm cận. Công việc này phần nào giúp cho cán bộ, Giảng viên có thêm thu nhập.
4. Kết quả mà trường Đại học Lạc Hồng đạt được trong thời gian gần đây:
Với chế độ, chính sách trên, làm cho đội ngũ Cán bộ, Giảng viên an tâm làm việc, gắn bó với nhà trường, gắn quyền lợi và trách nhiệm, tạo sự đoàn kết trong tập thể. Bên cạnh đó nhà trường giữ được các Sinh viên, Thầy, Cô giáo giỏi ở lại trường để làm việc, Nhà trường đào tạo Cử nhân, Kỹ sư khi tốt nghiệp đã được Doanh nghiệp nhận làm việc ngay không cần đào tạo lại.
Các thành tựu từ phong trào Nghiên cứu khoa học: 2 năm liền vô địch cuộc thi Robocon Việt Nam năm 2010, 2011và giải Nhì cuộc thi Robocon Châu Á Thái Bình Dương tại Ai Cập (năm 2010), giải Ba cuộc thi Robocon Châu Á Thái Bình Dương tại Thái Lan (năm 2011); có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ và cấp tỉnh
Về chuyển giao công nghệ: chuyển giao phần mềm khám chữa bệnh cho Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai; Thư viện điện tử cho Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Quảng trị, sản phẩm cụ thể chuyển giao cho Công ty Plus, Nec-Tokin…
5. Những đề xuất và kiến nghị:
Trên đây là những gì mà BCH Công đoàn trường Đại học Lạc học đã làm được nhằm nâng cao đời sống cho cán bộ, Giảng viên trong thời gian qua. Tuy nhiên, đây chưa thể nói là chế độ, chính sách sách hoàn hảo để nâng cao đời sống cho đội ngũ nhà giáo. Chúng tôi mong muốn là không chỉ đảm bảo cho Cán bộ, giảng viên sống được với đồng lương của nghề dạy học mà còn đảm bảo chất lượng sống của nhà giáo ngày càng phong phú và thịnh vương. Vì vậy trong năm tới BCH Công đoàn tiếp tục góp ý với HĐQT, Ban giám hiệu nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng sống của người lao động cụ thể: Tính tiền thăm niên cho Cán bộ, Giảng viên, nâng tỉ lệ phụ cấp dân lập lên 150%. Ngoài ra chúng tôi cũng kiến nghị với Chính phủ tiếp tục nghiên cứu các chính sách, pháp luật liên quan đến giáo dục, khi ban hành các Văn bản quy phạm pháp luật phải phù hợp thực tiển của các trường ngoài công lập, nhằm tạo điều kiện cho các trường này tồn tại và phát triển./.
Công đoàn cơ sở Đại học Lạc Hồng