Năm 2021, dịch Covid-19 tiếp tục diễn ra rất phức tạp, đã và đang có những tác động to lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội trên thế giới cũng như Việt Nam bao gồm cả chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Cán bộ và nhân viên y tế, kinh phí Nhà nước đều tập trung và huy động cho công tác phòng, chống Covid-19 nên nhân lực thiếu hụt, việc đầu tư kinh phí các hoạt động phòng, chống HIV bị ảnh hưởng. Nhiều hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng bị ảnh hưởng, thậm chí ngừng trệ. Theo báo cáo của các địa phương, dịch HIV/AIDS trong 9 tháng đầu năm 2021 tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng so với 9 tháng đầu năm 2020 tại nhiều địa phương.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, người nhiễm HIV khi mắc Covid-19 có nguy cơ bệnh chuyển nặng hoặc tử vong cao hơn. Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường cung cấp thông tin cho các phóng viên báo chí, cộng tác viên về tình hình dịch của địa phương, tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS như: Xây dựng kế hoạch và các mô hình cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trong các tình huống khác nhau tùy theo của diễn biến dịch Covid-19 để bảo đảm người có hành vi nguy cơ cao và người nhiễm HIV không bị gián đoạn trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; triển khai các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV tiếp cận liên tục và an toàn các dịch vụ điều trị bằng thuốc kháng HIV, tuân thủ điều trị; vận động, hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận và được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cũng như tiếp cận các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS, nhất là với các địa phương bị giãn cách xã hội hoặc phong tỏa do dịch Covid-19…
Để thực hiện phòng, chống HIV/AIDS song song với ngăn chặn đẩy lùi dịch Covid-19 không chỉ là nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương mà còn là của cả một hệ thống giáo dục. Sinh viên cần nhận biết và tránh xa những loại ma túy phổ biển được sử dụng rộng rãi hiện nay như: thuốc lắc, thuốc phiện, cỏ Mỹ, cần sa, heroine, ma túy đá…hiểu rõ những đường lây nhiễm HIV/AIDS; cách phòng tránh HIV/AIDS; điều trị ARV cho người nhiễm HIV, không kỳ thị nguời nhiễm HIV/AIDS, vận động hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận và được tiêm chủng vaccin phòng Covid-19 đặc biệt là tại các khu vực bị phong tỏa do dịch Covid-19, tích cực tham gia vào các hoạt động tình nguyện phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương.
Hãy cùng chung tay thực hiện khẩu hiệu "Phòng chống HIV/AIDS trong đại dịch Covid-19: Không để ai bị bỏ lại phía sau!"
Hãy cùng chung tay thực hiện khẩu hiệu "Phòng chống HIV/AIDS trong đại dịch Covid-19: Không để ai bị bỏ lại phía sau!".
(Nguồn: Tham khảo từ Bộ Y tế)