Tuyên truyền

Sinh viên đang học  »  Tuyên truyền


Chung tay vì một cộng đồng không có HIV/AIDS

HIV/AIDS là căn bệnh thế kỷ vô cùng nguy hiểm, hiện nay khoa học vẫn chưa tìm ra thuốc chữa. Đại dịch HIV/AIDS là mối hiểm họa đối với tính mạng, sức khỏe, con người và tương lai nòi giống của các quốc gia, các dân tộc trên toàn cầu. Trước mối hiểm họa to lớn từ đại dịch HIV/AIDS gây ra, ngày 1/12/1988, Hội nghị Bộ trưởng Y tế toàn cầu về các chương trình phòng chống AIDS đã quyết định chọn ngày 1/12 làm “Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS”.

AIDS là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải do nhiễm virus HIV. Biểu hiện ban đầu khi bị nhiễm virus HIV là đau cơ, đau khớp, sốt cao, vã mồ hôi, mệt mỏi, chán ăn, nôn ói, tiêu chảy, viêm họng, phát ban đỏ ngoài da.

* HIV lây truyền qua 3 đường

- Đường tình dục.
- Máu và các chế phẩm máu.
- Đường mẹ truyền sang con trong thời kỳ mang thai và cho con bú.


Hình ảnh cây thuốc phiện (Ảnh minh họa)

* HIV không lây truyền qua

- Giao tiếp thông thường: ôm, hôn, bắt tay, nói chuyện, ho, hắt hơi...
- Dùng chung nhà tắm, bể bơi, bồn tắm, mặc chung quần áo, ngồi chung ghế...
- Ăn uống chung bát đũa, ly chén...
- Côn trùng và súc vật không lây truyền HIV: ruồi, muỗi, chấy, rận, chó, mèo…

* Phòng nhiễm HIV/AIDS lây qua đường tình dục

- Sống lành mạnh, chung thuỷ một vợ một chồng và cả hai người đều chưa bị nhiễm HIV. Không quan hệ tình dục bừa bãi.
- Trong trường hợp quan hệ tình dục với một đối tượng chưa rõ có bị nhiễm HIV không, cần phải thực hiện tình dục an toàn để bảo vệ cho bản thân bằng cách sử dụng bao cao su mới đúng cách.
- Dùng thuốc diệt tinh trùng và HIV: phổ biến là Nonoxynol-9 (Menfagol) được làm dưới dạng kem bôi, viên đặt, hoặc tẩm vào màng xốp, bao cao su.


Tình dục an toàn luôn là phương pháp hiệu quả phòng ngừa HIV/AIDS (Ảnh minh họa)

* Phòng nhiễm HIV/AIDS lây qua đường máu

- Không tiêm chích ma túy.
- Chỉ truyền máu và các chế phẩm máu khi thật cần thiết, chỉ nhận máu và các chế phẩm máu đã xét nghiệm HIV.
- Chỉ sử dụng bơm kim tiêm vô trùng. Không dùng chung bơm kim tiêm. Sử dụng dụng cụ đã tiệt trùng khi phẫu thuật, xăm, xỏ lỗ, châm cứu...
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với các dịch cơ thể của người nhiễm HIV.
- Dùng riêng đồ dùng cá nhân: dao cạo, bàn chải răng, bấm móng tay...


HIV/AIDS lây qua đường máu (Ảnh minh họa)


HIV/AIDS có thể lây nhiễm thông qua các hoạt động sinh hoạt hàng ngày (Ảnh minh họa)

* Phòng nhiễm HIV/AIDS lây truyền từ mẹ sang con:

- Phụ nữ nhiễm HIV không nên mang thai, vì tỷ lệ lây truyền HIV sang con là 30%.


HIV/AIDS có thể lây truyền từ mẹ sang thai nhi (Ảnh minh họa)

Đại dịch HIV/AIDS là một hiểm họa cho sức khỏe và tính mạng của con người trên toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh tế - xã hội của các dân tộc. Để góp phần đẩy lùi căn bệnh thế kỷ, sinh viên cần trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS, có lối sống lành mạnh, tự chủ trong các mối quan hệ với bạn bè. Thường xuyên tham gia các buổi tuyên truyền về các tệ nạn xã hội và không sa vào những tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm.

Sinh viên hãy là người đi đầu, nêu gương trong công tác phòng chống AIDS!
Không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS!
Phòng chống HIV/AIDS là bảo vệ cho chính bạn và gia đình bạn!

 


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  2,288,492       1/564