Nói đi đôi với làm, nêu gương đạo đức là một nguyên tắc cơ bản trong tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Vấn đề này được Bác nêu lên rất sớm. Từ năm 1927, trong cuốn Đường cách mệnh, Người nêu lên 23 điều phải có về tư cách một người cách mệnh, trong đó điều thứ 10 là: “Nói thì phải làm”.
"Nói thì phải làm", chỉ với 4 từ đơn giản tưởng chừng như rất dễ thực hiện ấy, nhưng suốt cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng phấn đấu làm gương cho sự thống nhất giữa tư tưởng, lời nói với hành động và hiệu quả. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác, nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giành độc lập tự do cho dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Đại đa số chiến sĩ cách mạng là người có đạo đức: Cả đời hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, sinh hoạt ngày thường thì làm gương mẫu: gian khổ, chất phác, kính trọng của công... Đạo đức ấy có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp đổi xã hội cũ thành xã hội mới và xây dựng mỹ tục thuần phong". Và với bản thân mình, Bác đã làm đúng như khi trả lời các nhà báo nước ngoài năm 1946 "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các phóng viên báo đài (Ảnh tư liệu)
Đối với mỗi người để thực hiện được việc thống nhất giữa lời nói với hành động, lời nói đi đôi với việc làm, là điều không dễ, nó đòi hỏi cần phải có sự cố gắng, bền bỉ và một quyết tâm, bởi bất kỳ công việc nào, nhiệm vụ gì, dù lớn hay nhỏ, khó hay dễ, phức tạp hay giản đơn, nhưng nếu không ra sức phấn đấu thì cũng không thể thành công được. Nói được làm được sẽ mang lại những hiệu quả lớn, được nhiều người hưởng ứng và làm theo. Để làm được điều đó, khi đề ra công việc cần phải cụ thể, từ nhỏ đến lớn, từ dễ đến khó. Ngược lại nói nhiều làm ít hoặc nói mà không làm thì sẽ chỉ mang lại những kết quả phản tác dụng. Với những thầy cô giáo, những người làm công tác giáo dục thì lời nói với việc làm lại càng quan trọng và cần thiết. Bởi thầy cô luôn là tấm gương sáng cho học sinh sinh viên noi theo. Trong đạo đức, việc nêu gương là vô cùng cần thiết, vì "...Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền".
Bác Hồ với thanh niên (Ảnh tư liệu)
Lực lượng thanh niên, những chủ nhân tương lai của nước nhà, những người có vai trò rất lớn trong sự thịnh vượng hay suy yếu của đất nước, Bác đã chỉ ra cho họ những việc cần phải làm, những đức tính tự mình phải rèn luyện để có thể đảm đương được các trọng trách đó. Theo Bác mỗi thanh niên, nhất là mỗi cán bộ phải kiên quyết làm cho bằng được những điều sau đây:
a) Các sự hy sinh khó nhọc thì mình làm trước người ta,còn sự sung sướng thanh nhàn thì mình nhường người ta hưởng trước...
b) Các việc đáng làm, thì có khó mấy cũng cố chịu quyết làm cho kỳ được.
c) Ham làm những việc ích quốc lợi dân. Không ham địa vị và công danh phú quý.
d) Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, đối với việc.
e) Quyết tâm làm gương về mặt: siêng năng, tiết kiệm, trong sạch.
f) Chớ kiêu ngạo, tự mãn, tự túc. Nói ít làm nhiều, thân ái đoàn kết"
Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hiện được hẳn hoi, hơn một trăm chương trình to tát mà làm không được.
Bài học:
Để có một xã hội ngày càng tốt đẹp, tất cả mọi người được hưởng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc thì lối sống mình vì mọi người cần phải được phát huy, nguyên tắc sống "Nói thì phải làm" cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc. Thế hệ thanh niên càng phải cố gắng xây dựng nếp sống “Nói thì phải làm” để làm nền tảng cho sự thành công trong cuộc sống. Làm được như vậy là chúng ta đã làm tốt những điều mà Bác Hồ luôn mong muốn và căn dặn.
(Nguồn: Sưu tầm và tổng hợp từ Internet)