Suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh phấn đấu không mệt mỏi cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Sớm nhận thức sâu sắc được vai trò của quần chúng, sau khi tìm thấy con đường cứu nước trong thời đại mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở về nước, đi vào quần chúng, vận động, tập hợp, tổ chức quần chúng, lãnh đạo quần chúng đấu tranh cách mạng giành lại độc lập, tự do. Đến khi trở thành lãnh tụ của Đảng và Nhà nước, cũng vẫn là một Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên trì thực hiện mối liên hệ với quần chúng, gắn bó máu thịt với quần chúng.
Chính vì vậy phong cách quần chúng là một trong những nét đặc sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh. Phong cách này xuất phát từ quan niệm: Nước ta là nước dân chủ, dân là chủ và làm chủ, cán bộ, đảng viên là “công bộc” của dân. Người đã viết: “Người xưa nói: quan làm công bộc của dân, ta cũng có thể nói: Chính phủ là công bộc của dân vậy. Các công việc Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do, hạnh phúc cho mọi người. Cho nên, Chính phủ nhân dân bao giờ cũng đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết thảy”.
Thấm nhuần lời của cổ nhân “chở thuyền cũng là dân”, “lật thuyền cũng là dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng sự nghiệp cách mạng là của dân, do dân và “không có sự đồng tình ủng hộ của đại đa số nhân dân lao động đối với đội tiền phong của mình, tức là đối với giai cấp vô sản, thì cách mạng vô sản không thể thành công”.
Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về gần dân, học dân, kính trọng phục vụ nhân dân, Người nói: “Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn căn dặn cán bộ, đảng viên rằng: quần chúng nhân dân là người làm ra lịch sử, làm nên thành công của cách mạng, là người chủ đất nước; do đó, mỗi đảng viên, cán bộ ở bất cứ cương vị nào, làm công việc gì đều phải “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, Người cho rằng: “Cán bộ muốn cho xứng đáng, phải làm được việc. Muốn làm được việc, thì phải được dân tin, dân phục, dân yêu”. Do vậy, trong mọi hoạt động của người cán bộ, đảng viên phải luôn dựa vào sức mạnh của dân, xuất phát từ lợi ích của nhân dân, đi đúng đường lối quần chúng.
Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn,
huyện Đại Từ (Thái Nguyên) vào năm 1954. Ảnh tư liệu.
Trước hết phong cách quần chúng của Hồ Chí Minh thể hiện qua Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên gần dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Người là tấm gương sáng về phong cách gần dân. Sự gần gũi đó được thể hiện ngay từ phút đầu tiên Người ra mắt quốc dân. Khi vừa đọc một đoạn Tuyên ngôn Độc lập, Người đã dừng lại hỏi: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?". Chỉ là một câu hỏi thôi, một câu hỏi bình dị, tự nhiên mà thực sự đã làm xúc động trái tim hàng chục triệu đồng bào toàn quốc! "Cả muôn triệu một lời đáp: Có! Như Trường Sơn say gió Biển Đông". Đó là một điển hình mẫu mực về mối quan hệ gần gũi, thân thiết hiếm có giữa lãnh tụ với quần chúng, ngay ở những giây phút lịch sử trang trọng nhất.
Năm 1957, Bác Hồ về thăm Quảng Bình. Cuộc mít tinh quần chúng đón Bác được tổ chức tại sân vận động thị xã Đồng Hới. Nói chuyện với đồng bào, Người nhắc nhở nhiều điều, trong đó có việc phải chú ý chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình đồng bào miền Nam tập kết,… rồi người đọc chậm rãi câu ca dao:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Bác đọc đến đâu, đồng bào đọc theo đến đó. Một âm thanh hòa quyện vang lên thân thiết giữa lãnh tụ và quần chúng. Các thành viên Tổ cổ động của ủy ban kiểm soát và giám sát quốc tế đóng tại Đồng Hới, có mặt tại cuộc mít tinh, đã hết sức ngạc nhiên. Họ nói với cán bộ ta: "Trong đời chúng tôi chưa bao giờ được thấy một thủ lĩnh quốc gia nào gần gũi, thân thiết với nhân dân như Bác Hồ của Việt Nam. Ở nước chúng tôi, Tổng thống cũng đọc diễn văn rất hay. Rất tiếc cái hay đó chỉ có một số ít người trong dân chúng hiểu. Còn ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn thì hàng vạn người đều hiểu được và đọc theo, như cha đọc cho con nghe, thầy đọc cho trò nghe..., thật là gần gũi và thân thiết!”.
Bác Hồ trên Lễ đài tại sân vận động Đồng Hới - Quảng Bình (1957). Ảnh tư liệu.
Từ buổi đầu ra đi tìm đường cứu nước đến khi trở thành Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, từ việc lớn đến việc nhỏ của Người đều thể hiện sự quán triệt tư tưởng “Nước lấy dân làm gốc”, “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Ta hiểu vì sao Người thường nhắc đến câu ca truyền miệng của nhân dân Quảng Bình:
“Dễ mười lần không dân cũng chịu
Khó trăm lần dân liệu cũng xong”
Giữ được chân lý quý báu này thì sự nghiệp dù khó mấy cũng thành công. Xa rời chân lý này thì cơ đồ cha ông để lại có đồ sộ mấy rồi cũng sẽ ngả nghiêng, sụp đổ.
Hai là, Hồ Chí Minh yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải đi đúng đường lối quần chúng, đồng thời bản thân Người nêu cao tấm gương về lòng yêu mến và tin tưởng rất mực vào khả năng và sức mạnh của nhân dân. Bác nói: “Nước lấy dân làm gốc”, “Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”
Ba là, cán bộ, đảng viên phải biết phấn đấu, hy sinh vì lợi ích của tập thể, lợi ích của nhân dân. Bác nói: “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng…Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không phù hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại…”.
Bốn là, Hồ Chí Minh thường xuyên yêu cầu cán bộ, đảng viên “phải từ nơi quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”. Người đã nhiều lần phê phán tệ xa rời quần chúng, lên mặt “làm quan cách mạng”, “quan nhân dân”, không thấy mình là đầy tớ, người học trò của nhân dân. Bác đã nêu ra một quan điểm rất rõ: không phải cứ viết lên trán hai chữ “Cộng sản” thì đương nhiên sẽ được mọi người quý trọng. Quần chúng nhân dân chỉ quý trọng những người có đức, có tài, hết lòng phụng sự nhân dân.
Yêu nước, thương dân, suốt đời vì dân, vì nước là suy nghĩ nhất quán, thường trực trong con người của Người. Chính tư tưởng đạo đức của nhân cách bên trong con người Hồ Chí Minh đã thể hiện, bộc lộ ra bên ngoài bằng phong cách quần chúng ở Người.
Bài học:
Như vậy học tập phong cách quần chúng Hồ Chí Minh có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là cơ sở để cho bản thân mỗi cán bộ, đảng viên có được nhận thức đúng đắn về yêu cầu phải giữ gìn, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đề cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, tinh thần đó phải luôn thể hiện đối với cấp dưới, với quần chúng nhân dân; luôn có ý thức trau dồi phẩm chất chính trị, tư tưởng. Đồng thời, có ý thức nghiêm túc khắc phục những khuyết điểm trong phong cách làm việc, phong cách sống, lối sống, thói quen làm việc, thói quen sinh hoạt... làm ảnh hưởng đến tổ chức, cơ quan, đơn vị cũng như đối với người khác.
(Nguồn: Tài liệu tuyên truyền Ban Tuyên giáo Trung ương)