Bác Hồ kính yêu của chúng ta là một tấm gương lớn về thực hành tiết kiệm và chống lãng phí. Lúc sinh thời, Bác thường căn dặn mọi người thực hành tiết kiệm; tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ, tiền bạc; phải tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, không xa xỉ, hoang phí, không bừa bãi, phô trương hình thức.
Bác Hồ đã sống cả cuộc đời thanh bạch từ ăn, ở đến phương tiện sử dụng phục vụ công việc hàng ngày, để tiết kiệm thời gian, Bác dạy: “Từ Chủ tịch Chính phủ cho đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân... làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ về sớm... Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”.
Mỗi bữa ăn, Bác quy định không quá 3 món và thường là các món dân tộc như: tương cà, dưa, cá kho... Bác bảo ăn món gì phải hết món ấy, không được để lãng phí. Có quả chuối hơi “nẫu”, nhiều người ngại không ăn, Bác bảo lấy dao gọt phần nẫu đi để ăn. Khi đi công tác các địa phương, Bác thường bảo các đồng chí phục vụ chuẩn bị cơm nắm, thức ăn từ nhà mang đi. Chỉ khi nào công tác ở đâu lâu, Bác mới chịu ăn cơm, nhưng trước khi ăn, bao giờ Bác cũng dặn “chủ nhà” là: Đoàn đi có từng này người, nếu được, chỉ ăn từng này, từng này... Bác luôn nghĩ đến người nghèo “lúc chúng ta nâng bát cơm ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước, cứ 10 ngày nhịn ăn 1 bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa 1 bơ) để cứu dân nghèo”.
Bữa cơm đạm bạc của Hồ Chủ Tịch với đồng bào (Ảnh: Internet).
Bác nói: Ở đời ai chẳng thích ăn ngon, mặc đẹp, nhưng nếu miếng ngon đó lại đánh đổi bằng sự mệt nhọc, phiền hà của người khác thì không nên. Hơn nữa, Bác luôn nghĩ đến người khác, có món gì ngon không bao giờ Bác ăn một mình. Bác sẻ cho người này, sẻ cho người kia rồi sau cùng mới đến phần mình và phần Bác thường là ít nhất.
Trong sinh hoạt đời thường, Bác Hồ còn chỉ thị cho những người phục vụ: Vá khăn mặt cho Bác, vá áo lót cho Bác, vá chiếu nằm cho Bác. Có lần, khi tất rách chưa kịp vá, anh em đưa đôi mới để Bác dùng. Bác cầm đôi tất xoay chỗ rách vào bên trong người Bác, rồi cười: Đấy có trông thấy rách nữa đâu...
Mùa đông, Bác Hồ có một cái áo bông của đồng bào biếu. Bác dùng nhiều năm, mền bông xẹp xuống không ấm nữa. Nhưng không ai dám nghĩ đến việc xin Bác bỏ mền bông đi, chỉ nghĩ đến việc thay vỏ ngoài. Vì dùng mãi vỏ áo đã đứt chỉ ở khuỷ tay và ở cổ. Bác bảo mạng nó lại. Nó rách ở vai thì Bác bảo vá vai, đến khi nó rách lần 2, đồng chí phục vụ xin cho thay vỏ ngoài, Bác bảo: Này chú ạ, Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc áo vá vai thế này là cái phúc của dân đấy, đừng bỏ cái phúc đó đi. Bác mặc bộ quần áo ka ki đã sờn cổ, sờn tay, xin được thay bộ khác, Bác bảo: “Nếu thi sang thì thua, thi tiết kiệm thì thắng”. Bác mặc như thế phù hợp với hoàn cảnh của đất nước, của dân không phải thay. Xưởng may X biếu Bác bộ quần áo ka ki mới; Bác nhận, nhưng rồi Bác lại gửi lại xưởng may để làm phần thưởng thi đua.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Xưởng may 10, Người góp ý kiến về cách
cắt may sao cho nhanh, tiết kiệm và đảm bảo chất lượng. (Ảnh: Internet).
Bác tiết kiệm đến cái nhỏ như tờ giấy: “Giấy bút, vật liệu đều tốn tiền của Chính phủ, tức là của dân; ta cần phải tiết kiệm. Nếu một miếng giấy nhỏ đủ viết, thì chớ dùng một tờ to. Một cái phong bì có thể dùng hai ba lần”. Và Bác đã làm để mọi người bắt chước là hàng ngày các văn bản Bác đều viết ở mặt sau của bản tin Thông tấn xã Việt Nam; còn phong bì Bác đều dùng lại phong bì của các nơi gửi tới đến 2, 3 lần. Làm được những việc nhỏ thì sẽ thành cái to như Bác đã chỉ rõ: “nơi nào cũng tiết kiệm một chút, thì trong một năm đỡ được hàng vạn tấn giấy, tức là hàng triệu đồng bạc. Nhờ tiết kiệm...mà lợi cho dân rất nhiều”.
Những hành động, việc làm cụ thể trên đây cho chúng ta thấy rõ về cuộc sống giản dị, tiết kiệm của Bác. Bác Hồ sống khắc khổ, tiết kiệm, thanh bạch trong đời sống, chỉ vì Bác toàn tâm, toàn ý đấu tranh cho cuộc sống của toàn dân. Đời sống vật chất càng giản dị thì càng phù hợp với đời sống tâm hồn phong phú, với những tình cảm, những giá trị tinh thần cao đẹp nhất của Bác. Đó là cuộc sống thật sự văn minh mà Bác Hồ đã nêu gương sáng.
Bài học:
Lịch sử sẽ còn nhiều thay đổi, nhưng những bài học, tư tưởng quý báu của Người sẽ còn sống mãi. Học tập tấm gương tiết kiệm của Bác Hồ chính là học tập để tiết kiệm có thể trở thành một thói quen hàng ngày. Tiết kiệm không chỉ là tiết kiệm của cải vật chất mà còn tiết kiệm thời gian, sức lực, tiết kiệm ngôn từ, nói ít làm nhiều, lời nói phải đi đôi với việc làm. Mỗi người chúng ta bằng những cách khác nhau hãy thực hiện tiết kiệm trong mọi lĩnh vực. Bởi khi tiết kiệm, mỗi người sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững hơn cho đất nước./.