Những ngày này, cả dân tộc Việt Nam không khỏi bồi hồi xúc động khi hay tin: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng tài ba, nhân vật lịch sử vĩ đại, người cuối cùng của “thế hệ vàng” làm nên thắng lợi cho cách mạng Việt Nam đã mãi mãi ra đi…
Đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tên khai sinh: Võ Giáp (bí danh: Văn); sinh ngày 25/8/1911, quê xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ; nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam; Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII.
Do tuổi cao, sức yếu, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và tập thể các giáo sư, bác sĩ, nhân viên y tế trong và ngoài quân đội cùng gia đình hết lòng chăm sóc, đồng chí đã từ trần hồi 18 giờ 09 phút, ngày 4/10/2013 (tức ngày 30 tháng 8 năm Quý Tỵ), tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; hưởng thọ 103 tuổi.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng liên tục trên 80 năm, đồng chí đã có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Vốn sinh trưởng trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống hiếu học và nề nếp gia phong. Ngay từ nhỏ đồng chí đã được thụ hưởng một nền giáo dục mang hai tư tưởng khác biệt: tư tưởng lễ giáo của truyền thống phương Đông và những tri thức khoa học cùng những tư duy tiến bộ của phương Tây. Năm 14 tuổi, ông tốt nghiệp tiểu học đỗ đầu toàn tỉnh và là tân khoa trẻ nhất. Năm 15 tuổi, ông đỗ thứ nhì vào trường quốc học Huế.
Ngôi nhà nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ra và lớn lên ở quê hương An Xá – Lệ Thủy – Quảng Bình (Ảnh: Internet).
Như hầu hết những thanh niên trí thức yêu nước thời đó, ông hăng hái hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên. Ông bị Pháp bắt giam và trưởng thành qua nhiều hoạt động bãi khóa, diễn thuyết, viết báo... tuyên truyền đấu tranh cho độc lập dân tộc.
Xuất thân là thầy giáo, Võ Nguyên Giáp trở thành chính trị gia, tổng tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đại tướng là biểu tượng của nhiều thế hệ người dân về ý chí kiên cường và niềm tự hào dân tộc.
Tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc. Đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ, ghi một mốc son chói lọi trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam – “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Lịch sử sẽ không bao giờ quên quyết định quan trọng gắn với việc chuyển đổi phương châm chỉ đạo từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954).
Sau 56 ngày đêm chiến đấu liên tục, dũng mãnh tấn công, quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
17h30 ngày 7/5/1954, Tướng De Castrie và toàn thể bộ tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị quân ta bắt sống. Gần một vạn tên xâm lược giơ cao cờ trắng ra khỏi hầm xin hàng. Ngọn cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tung bay trên nóc hầm De Castrie.
Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954 (Ảnh: Internet).
Bên cạnh đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn trực tiếp tham gia chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng như Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950, Chiến dịch Mậu Thân 1968, mà nổi bật trên hết là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
“Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam; quyết chiến và toàn thắng!” – Mệnh lệnh nổi tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.
Chiến dịch Hồ Chí Minh là đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Thắng lợi của Chiến dịch Hồ chí Minh là thắng lợi vĩ đại nhất, trọn vẹn nhất, kết thúc 30 năm chiến tranh lâu dài, gian khổ, ác liệt nhất nhưng cũng vẻ vang nhất trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm một đơn vị bộ đội (Ảnh: Internet).
Sau ngày hòa bình lập lại, theo sự phân công của Đảng, Đồng chí phụ trách nhiều công việc khác về khoa học, giáo dục… Đại tướng càng phát huy được phẩm chất và trí tuệ của một trí thức cách mạng có tầm nhìn chiến lược nhưng luôn phát huy những giá trị truyền thống dân tộc.
Võ Nguyên Giáp được bình chọn là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua, từ thời Alexandre Đại đế đến Hannibal rồi đến thời cận hiện đại với Kutuzov, Jukov..., những người đã có chiến công tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh (Ducan Townson, cuốn Những vị tướng lừng danh).
Do công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, uy tín lớn trong và ngoài nước, Đại tướng đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp Lãnh tụ Cuba Fidel Castro thăm Việt Nam (Ảnh: Internet).
Ngay sau khi Đại tướng qua đời, các hãng thông tấn và báo chí nước ngoài đã có bài viết về Đại tướng, họ gọi ông là vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự.
AFP gọi đại tướng Võ Nguyên Giáp là “thiên tài quân sự” và là “người hạ gục phương Tây” trong bản tin về việc đại tướng từ trần. AFP nói đại tướng “được coi là một trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất và là kiến trúc sư cho những chiến thắng vang dội của Việt Nam trước Pháp và Mỹ.”
Hãng thông tấn Prensa Latina của Cuba ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một chiến lược gia quân sự lỗi lạc, đã chỉ huy Quân đội Việt Nam đánh đuổi thực dân Pháp với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Sau đó ông tiếp tục áp dụng một cách tài tình chiến lược chiến tranh toàn dân để đánh đuổi đế quốc Mỹ. Prensa Latina cũng nhấn mạnh nghệ thuật chiến tranh du kích của Tướng Giáp là nguồn cảm hứng cho các chiến sỹ đấu tranh vì độc lập dân tộc trên cả thế giới, và các cuốn sách của ông về chiến lược quân sự vẫn là những tài liệu quý giá mà các chuyên gia quân sự trên thế giới vẫn tìm đọc.
Đối với thế giới, có thể nói cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hiện thân cho vị thế của dân tộc Việt Nam trong lịch sử hiện đại của thế kỷ XX, giai đoạn lịch sử mà dân tộc ta có những đóng góp rất to lớn, như cách nói của giới khoa học và truyền thông là “làm thay đổi bộ mặt thế giới”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: Internet).
Dẫu biết rằng “sinh, lão, bệnh, tử” là quy luật của đời người và chẳng ai có thể chống lại qui luật của tạo hóa, nhưng tin Đại tướng ra đi đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cho nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Nhân dân Việt Nam đã mất đi một huyền thoại, một nhà quân sự lỗi lạc, một người con ưu tú suốt đời hết mình vì sự nghiệp cách mạng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng của dân tộc Việt Nam. Nhân dân Thế giới mất đi một người bạn, một danh tướng tài ba của thế kỷ, một nhân cách cao đẹp, một trí tuệ lớn…
Ngay giờ phút này đây, chúng ta - những người dân Việt Nam hãy dành tất cả sự kính cẩn, nghiêng mình để tiễn đưa Bác – một con người vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Người nằm xuống không có nghĩa là Người không còn tồn tại. Vị Đại tướng trong lòng nhân dân, người “anh cả” của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đời đời được Tổ quốc ghi công, đời đời là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ Việt Nam kế thừa và phát huy./.