Tệ nạn ma túy đã và đang trở thành hiểm họa lớn của nhân loại. Hậu quả do tệ nạn ma túy gây ra rất nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng, làm tổn hại sức khỏe của một bộ phận nhân dân, đồng thời là nguyên nhân làm phát sinh các loại tội phạm, đe dọa sự ổn định, phồn vinh và sự trường tồn của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Chính vì vậy mà Liên hiệp quốc đã lấy ngày 26.6 hàng năm làm “Ngày quốc tế phòng, chống lạm dụng ma túy”. Hưởng ứng quyết định của Liên Hiệp Quốc, trong những năm qua các quốc gia trên thế giới đã có nhiều hình thức, biện pháp tăng cường các hoạt động phòng, chống, bài trừ tệ nạn buôn bán và sử dụng ma túy.
Tại Việt Nam, theo Quyết định số 93/2001/QĐ-TTg ngày 13/6/2001 của Thủ tướng Chính phủ, hàng năm lấy tháng 6 là “Tháng hành động phòng, chống ma túy” và ngày 26/6 là “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy” nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân về công tác phòng, chống ma túy và tác hại của của tệ nạn ma túy để tự phòng, chống làm giảm tệ nạn ma túy trong đời sống xã hội. Từng bước đẩy lùi và xóa bỏ tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội, tạo môi trường lành mạnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Ở nước ta, những năm gần đây tình trạng nghiện hút, tiêm chích và buôn bán, tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy diễn ra rất phức tạp với nhiều thủ đoạn xảo quyệt. Đáng quan ngại hơn là ma túy đã và đang len lõi vào đời sống học đường.
Vậy ma túy là gì? Nguyên nhân gây nghiện và nó có tác hại như thế nào đối với cá nhân, gia đình và xã hội?
Trước hết, ma túy là từ Hán Việt, với nghĩa: ma là “tê liệt” và túy là “say sưa”. Nói một cách khác bất kỳ chất nào khi dùng nó, người sử dụng có trạng thái hưng phấn và bị lệ thuộc vào chúng hay còn gọi là “nghiện”, cuối cùng bị tê liệt ý chí, hủy hoại cơ thể, đó là ma túy. Ma túy tồn tại ở nhiều dạng như tép, nước, bột, thuốc…và được sử dụng bằng nhiều hình thức: hút, chích, hít…
Tạm thời có thể chia ma túy thành 3 nhóm:
- Ma túy thiên nhiên: Thuốc phiện, Cần sa (bồ đà)
- Ma túy bán tổng hợp: Heroin
- Ma túy tổng hợp (Hóa học): Ecstasy (thuốc lắc)
Cùng với hàng trăm loại tân dược có khả năng gây nghiện nếu tùy tiện sử dụng (không có sự hướng dẫn của bác sĩ) như: Morphine, Immenoctal, Seconal, Diazepam, Seduxen...
Các loại ma túy (Ảnh: Internet).
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các bạn sinh viên dễ dàng sa vào con đường nghiện ngập ma túy. Một trong số đó xuất phát từ ý thức bản thân của các bạn. Ai cũng biết tuổi thanh niên là độ tuổi có 2 nhu cầu học và chơi rất lớn và luôn ở tâm trạng tìm tòi, khám phá để khẳng định mình trước bạn bè. Do vậy, những sinh hoạt trong nhóm bạn bè rất dễ tác động đến các bạn, nhất là đối với những bạn nhẹ dạ, cả tin, hoặc hay đua đòi là những đối tượng rất dễ bị lôi kéo vào con đường ma túy.
Một khi đã vướng vào vòng vây của ma túy rồi thì tương lai của các bạn sẽ bị hủy hoại hoàn toàn. Trước hết là về mặt sức khỏe, ma túy gây ra các bệnh khôn lường cho cơ thể. Người nghiện sẽ bị hư hại niêm mạc mũi nếu dùng ma túy theo dạng hít, có khả năng ngưng thở đột ngột, gây nguy hiểm tính mạng. Còn dùng theo dạng hút thì cơ quan chịu ảnh hưởng là phổi. Phổi sẽ bị tổn thương nghiêm trọng, gây ung thư phổi, viêm đường hô hấp, nhiễm trùng phổi…Và nguy hiểm nhất là dùng ma túy dạng chích, đây là con đường ngắn nhất dẫn đến AIDS. Người tiêm đâu có biết rằng trên mũi kim là hàng vạn quả cầu gai gây căn bệnh thế kỉ hiểm nghèo, cứ thế họ truyền tay nhau tiêm chúng, đưa virus vào máu của mình. Ở những tụ điểm tiêm chích, họ còn pha thêm các chất bẩn gây áp-phê, hậu quả là các con nghiện phải cưa cụt tay chân hay nhiễm trùng máu. Ấy là chưa kể đến tình trạng bị chết do sốc thuốc.
Ma túy không những gây hại cho người dùng nó mà còn cho cả gia đình của họ, khiến họ bị mất dần khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình. Những gia đình có người nghiện ma túy bầu không khí lúc nào cũng ảm đạm, buồn khổ. Công việc làm ăn bị giảm sút do không được tín nhiệm. Nền kinh tế cũng theo đó mà suy sụp. Đối với các bạn sinh viên, độ tuổi còn đang ăn học thì lấy đâu ra tiền để thỏa mãn cơn nghiện? Từ chính gia đình các bạn chứ không đâu xa. Thậm chí khi lên cơn nghiện, một số bạn không từ bất kì một thủ đoạn nào kể cả trộm cắp, giết người cướp của để có tiền mua ma túy.
Hằng năm nhà nước ta đã phải tiêu tốn một khoản tiền không nhỏ để tổ chức các lực lượng phòng chống và giải quyết những thiệt hại do con nghiện gây ra. Mất tiền xây dựng các trại cải tạo, giáo dục, điều trị cho người nghiện. Một thiệt hại lớn khác mà ma túy gây ra cho nền kinh tế quốc gia là làm cho ngành du lịch bị giảm sút, các nhà đầu tư nước ngoài e ngại không dám đầu tư vào Việt Nam…
Hiểu rõ được những tác hại kể trên của ma túy, từ nhiều năm nay, trường Đại học Lạc Hồng với tư cách là một cơ sở giáo dục đào tạo lớn, có uy tín trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có nhiều hoạt động thiết thực trong công tác phòng chống ma túy học đường. Trong nhiều năm qua, song song với việc đào tạo kiến thức cho sinh viên, nhà trường còn thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền giáo dục về tác hại của ma túy, cách phòng chống tệ nạn ma túy đến với toàn bộ cán bộ giảng viên và sinh viên trong trường. Điều này ít nhiều đã giúp cho mọi người có nhận thức đúng đắn về tác hại và cách phòng chống ma túy.
Một buổi tuyên truyền phòng chống ma túy tại trường Đại học Lạc Hồng.
Hưởng ứng “Tháng hành động phòng chống ma túy”, “Ngày Thế giới phòng chống ma túy” và “Ngày toàn dân phòng chống ma túy - 26/6”, tập thể sư phạm trường Đại học Lạc Hồng kiên quyết nói “KHÔNG” với ma túy, phát động hưởng ứng thông điệp của Liên hợp quốc nhân ngày Quốc tế phòng chống ma túy năm 2013 là: "Toàn cầu chung sức hành động vì một cộng đồng lành mạnh không ma túy" nhằm xây dựng một mái trường, một xã hội không có ma túy góp phần bảo vệ bản thân và cộng đồng.