Phòng & điều trị bệnh

Sinh viên đang học  »  Kiến thức y tế học đường  »  Phòng & điều trị bệnh


Xử lý vết phỏng da bởi kiến ba khoang cắn

Kiến ba khoang là loại côn trùng độc hại thường xuất hiện vào mùa mưa, khi bị đốt thường để lại vết bỏng rát, mụn nước trên da.  Với hình dạng bé nhỏ tưởng chừng như vô hại, nhưng trên thực tế chất độc của nó tiết ra lại gây ra nhiều hậu quả đáng sợ như biến dạng vùng da, hư hoại phần bề mặt da khó lấy lại được như trước. Nếu không biết cách xử lý sẽ dẫn đến nhiễm trùng nặng.

Đáng ngại nhất là kiến ba khoang đông, sinh sôi nhanh, rất khó diệt, những loại thuốc xịt côn trùng thông thường không có tác dụng.


Hình ảnh kiến ba khoang đuôi nhọn

1. Biểu hiện lâm sàng

  • Viêm da thường xuất hiện ở vùng hở như mặt, cổ, ngực, vai, gáy, tay.
  • Tổn thương cơ bản có dạng dát đỏ, thành vệt, thành đám, theo chiều tay quệt, nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục.
  • Thương tổn tiếp tục xuất hiện dù không còn sự hiện diện của kiến ba khoang nếu trẻ ngứa gãi quệt ra vùng da lành, đặc biệt là các vùng nếp gấp.
  • Bệnh nhi có cảm giác rát bỏng tại chỗ, thương tổn trên diện rộng trẻ có thể sốt nhẹ, nổi hạch lân cận.

Tiến triển của bệnh:

  • Sau khi tiếp xúc với kiến, người bệnh cảm giác râm ran.
  • 6-8 giờ sau xuất hiện ban đỏ, dát đỏ.
  • 12-24 giờ tiếp theo xuất hiện thương tổn điển hình.
  • Sau 3 ngày thương tổn bắt đầu đỡ rát bỏng, bong vảy.
  • Sau 5-7 ngày vảy bong hết nhưng để lại dát thâm lâu mất.

2. Phân biệt

Viêm da tiếp xúc do côn trùng có thể bị nhầm với một số bệnh ngoài da, đặc biệt là bệnh Zona. Zona thường gặp ở những người từng bị thủy đậu, với các dấu hiệu báo trước như đau nhức dọc theo dây thần kinh ở nửa người, nơi vùng da chuẩn bị nổi thương tổn. Tổn thương cơ bản là các mụn nước lõm ở giữa, mọc thành chùm ở một bên cơ thể.

3. Xử trí

Nếu phát hiện được kiến ba khoang ngay sau khi tiếp xúc, cần:

  • Loại bỏ côn trùng, không dùng tay trần để bắt, giết, miết.
  • Rửa vùng tiếp xúc bằng nước sạch và xà phòng, sau đó dùng thuốc sát trùng nhẹ.
  • Nếu vùng tổn thương xuất hiện mủ, dùng dung dịch Xanh methylen bôi lên vết thương để sát khuẩn, tránh bị nhiễm trùng.
  • Khi vết thương đã khô, không còn chảy dịch , nên sử dụng các loại thuốc mỡ có tính kháng sinh, diệt khuẩn kèm corticoid loại nhẹ và vừa để bôi, giúp vết thương mau lành.

Khi thương tổn đã phỏng rộp, tùy vào mức độ tổn thương mà bác sĩ chỉ định thuốc phù hợp. Trường hợp nhẹ chỉ cần sát trùng, bệnh tự giới hạn. Nếu tình trạng trung bình và nặng thì phải bôi thuốc dịu da, corticosteroid bôi, uống kháng histamin, uống kháng sinh khi có dấu hiệu bội nhiễm .

4. Phòng bệnh

  • Đề phòng côn trùng bay vào nhà bằng cách hạn chế mở cửa nhiều, nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng...
  • Tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, chú ý khi làm việc dưới ánh đèn vì kiến ba khoang rất hay xuất hiện ở nơi có đèn sáng
  • Giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng.
  • Không dùng tay trần để bắt, giết, miết kiến ba khoang.
  • Khi bắt đầu thấy rát ở một vùng da có thể rửa vùng đó bằng nước muối loãng, xà phòng...

Nguồn: ThS.BS Phạm Thị Mai Hương - Bệnh viện Nhi trung ương


 


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  4,596,772       3/522