PGS-TS Nguyễn Hữu Đức, nước tăng lực làm tỉnh táo, hưng phấn, thoải mái tinh thần. Tuy vậy, nó có thể gây hàng loạt tác dụng phụ có hại.
Một số người làm việc quá nhiều, ngủ không đủ giờ, ăn không đủ chất… cơ thể mệt mỏi, uể oải, thay vì nghỉ ngơi, bồi bổ sức khỏe thì lại chọn nước tăng lực (NTL) để nhanh lấy lại tinh thần. Một số người lao động nặng, người chơi thể thao… cũng chọn NTL để tăng sức khỏe cơ bắp. Những tài xế lái xe đường dài thường dùng NTL để tinh thần được tỉnh táo, minh mẫn khi điều khiển phương tiện.
PGS-TS Nguyễn Hữu Đức - ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, bộ não cũng như nhiều cơ quan khác trong cơ thể rất cần một chất gọi là adenosine triphosphate (viết tắt ATP) là chất chuyển hóa sinh ra năng lượng làm tăng hoạt động trí não. Cơ thể làm việc càng nhiều thì ATP được cơ thể sản xuất hoặc được đưa từ ngoài vào phải càng cao. NTL được quảng cáo có chứa ATP nên nhiều người nghĩ đó là “thần dược”.
Mỗi công ty sản xuất NTL đều có “bí quyết” riêng, nhưng thành phần chứa nhiều nhất thường là đường, ngoài ra còn có caffeine và nhiều chất khác. Lượng đường chứa rất nhiều làm thứ nước này uống rất ngọt và cung cấp rất nhiều năng lượng, giúp hoạt động cơ bắp tốt hơn. Caffeine có trong NTL là chất kích thích hệ thần kinh trung ương. Nhờ có caffeine nên khi uống NTL, ta cảm thấy tỉnh táo, hưng phấn do chất này kích thích hệ thần kinh hoạt động mạnh hơn, làm tinh thần thoải mái, sảng khoái hơn…
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Đức, bên cạnh tác dụng làm tỉnh táo, hưng phấn, thoải mái tinh thần tạm thời (khoảng hai-ba giờ), NTL có thể gây hàng loạt tác dụng phụ có hại cho người dùng.
NTL không phải là thực phẩm bổ dưỡng vì nó không cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu. Nó thực chất là thức uống “cao năng lượng”. Những người uống nhiều NTL do chứa nhiều đường mà vẫn ăn ngon miệng và ăn nhiều thì sẽ có nhiều nguy cơ bị béo phì hay bị tiền đái tháo đường (rất dễ chuyển thành đái tháo đường).
NTL có chứa caffeine. Một số người không “hạp” caffeine có thể bị mất ngủ (do caffeine gây kích thích) hoặc tim đập nhanh (caffeine làm tăng nhịp tim) gây khó chịu, hoặc tăng dịch vị dạ dày gây xót ruột.
Nếu NTL có ATP hàm lượng cao (thường NTL không ghi rõ hàm lượng thành phần) có thể gây tác dụng phụ có hại như loạn nhịp tim, đánh trống ngực, đỏ bừng mặt, khó thở, tức ngực.
Đối với trẻ con, uống nhiều NTL hoàn toàn không có lợi. Những calori rỗng của NTL khiến trẻ cảm thấy no, chán ăn, không muốn ăn và ăn không đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu. Hậu quả là trẻ có thể bị thiếu dinh dưỡng, dẫn đến suy dinh dưỡng.
Nếu người tập thể dục thể thao nặng mà uống NTL để bù nước và bù chất điện giải thì lợi bất cập hại, vì loại nước này hoàn toàn không có tác dụng bù nước cũng như chẳng có chất điện giải nào để bù. Uống càng nhiều NTL thì càng thiếu nước và chất điện giải, làm giảm hiệu quả luyện tập, tăng nguy cơ chấn thương.
(Nguồn: suckhoedoisong.vn)