Chóng mặt là một thuật ngữ được sử dụng để chỉ biểu hiện choáng, mất phương hướng, hoặc sự mất cân bằng. Buồn nôn là cảm giác khó chịu mà được đi kèm với sự thôi thúc mạnh mẽ muốn nôn ra. Nhiều người thường có triệu chứng chóng mặt, buồn nôn khi đi tàu xe. Đó cũng là biểu hiện đặc trưng khi người phụ nữ ốm nghén. Nhưng nó cũng có thể là triệu chứng thường gặp khi bạn bị bệnh nào đó.
Dưới đây là những nguyên nhân có thể gây ra chóng mặt, buồn nôn mà bạn nên biết.
1. Chứng ốm nghén
Rất nhiều phụ nữ bị chóng mặt và buồn nôn khi mang thai, đặc biệt là trong tam cá nguyệt đầu tiên (3 tháng đầu). Tình trạng này được gọi là ốm nghén và nó hoàn toàn bình thường. Nó được đặc trưng bởi nôn mửa và buồn nôn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tình trạng ốm nghén có thể ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bạn. Nôn mửa quá mức có thể dẫn đến giảm cân, mất nước, suy dinh dưỡng, mất cân bằng điện giải và gây ra chóng mặt.
2. Say tàu xe
Say tàu xe là một cảm giác buồn nôn mà một số người có thể gặp khi đi du lịch bằng xe hơi, xe lửa, tàu hay máy bay... Nó được gây ra bởi sự xáo trộn hoặc xung đột giữa các tín hiệu được gửi đến não từ mắt, hệ thống tiền đình (tai trong và ốc tai) và các thụ thể cảm giác ở các khớp, gân và mô cơ thể... Khi não nhận được tín hiệu mâu thuẫn liên quan đến vị trí của con người, nó sẽ gây ra các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn và nôn.
Ảnh minh họa
3. Tâm trạng hoảng loạn
Một sự hoảng loạn về tâm lý do quá sợ hãi có thể làm phát sinh các triệu chứng như chóng mặt, tim đập nhanh, đổ mồ hôi, buồn nôn, đau ngực, cảm giác khó thở... Những người bị ám ảnh, rối loạn căng thẳng sau chấn thương... có nhiều khả năng bị hoảng loạn về tâm lý hơn so với những người khác.
4. Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ là chóng mặt và nôn mửa, Ví dụ như thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị tăng huyết áp... Các loại thuốc này ức chế sự chuyển hóa men trong cơ thể và dẫn đến chóng mặt. Nếu dừng thuốc một cách đột ngột cũng có thể gây ra tình trạng này.
5. Đau bụng kinh
Đau bụng kinh là một thuật ngữ y tế được sử dụng để nói về các cơn đau bụng xuất hiện trong những ngày "đèn đỏ". Nó có thể kéo theo triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, nôn và đau lưng... ở một số phụ nữ. Theo các chuyên gia sức khỏe thì những triệu chứng này là do sự phát hành của prostaglandin từ nội mạc tử cung gây ra.
6. Các vấn đề về tiêu hóa
Buồn nôn và ói mửa là một số triệu chứng phổ biến nhất của các vấn đề tiêu hóa như tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm và viêm dạ dày ruột... Đó là những phản ứng của cơ thể do sự rối loạn trong tiêu hóa gây ra. Nôn mửa dữ dội có thể dẫn đến mất nước, mất cân bằng điện giải trong cơ thể, làm tăng mức độ chóng mặt và có thể có hại cho cơ thể.
7. Các vấn đề tim mạch
Những người thường gặp các vấn đề về tim mạch, chủ yếu như tim đập thất thường, loạn nhịp tim,nhồi máu cơ tim, giảm huyết áp đột ngột... có thể làm cho lượng máu và oxy cung cấp lên não không đủ, ảnh hưởng đến các mô não. Điều này dễ dẫn đến chóng mặt và mất ý thức. Ngoài ra, tình trạng tắc nghẽn động mạch dẫn máu đến não cũng có thể dẫn đến chóng mặt. Những người thường xuyên có huyết áp cao cũng có thể làm phát sinh các cơn đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và ra mồ hôi nhiều hơn với người khác.
Ảnh minh họa
8. Rối loạn hô hấp
Rối loạn hô hấp và nhiễm trùng ở đường hô hấp có thể dẫn đến
khó thở. Tình trạng khó thở là một trong những nguyên nhân khiến cho lượng oxy nạp vào cơ thể bị hạn chế và kéo theo những cơn chóng mặt, buồn nôn. Một số sự rối loạn hô hấp gây ra tình tình trạng này bao gồm rối loạn phổi tắc nghẽn, hen, phù phổi...
9. Có vấn đề ở tai
Tai trong là một cơ quan quan trọng của cơ thể. Nó đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì cảm giác cân bằng. Nhiễm trùng, viêm nhiễm, chất lỏng tích tụ hoặc tổn thương các mô ở trong tai cũng làm cho bạn có cảm giác mất cân bằng dẫn đến chóng mặt và chóng mặt.
10. Nguyên nhân khác
Một số nguyên nhân khác gây ra chứng chóng mặt, buồn nôn có thể là: Cúm dị ứng, mệt mỏi, viêm xoang, đau nửa đầu, thiếu hụt chất dinh dưỡng hoặc lượng đường trong máu quá thấp...
Nếu bạn thường xuyên bị buồn nôn và chóng mặt, hãy đi khám để biết nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng này.
(Nguồn: Tham khảo từ báo Pháp luật xã hội)