Nổi lên như một sự kiện không chỉ mang đến nhiều phấn khởi và hồ hởi cho tập thể cán bộ giảng viên nhân viên mà còn mang lại nhiều ấn tượng và khó khăn cho Ban Giám khảo (BGK) trong việc cân đo đong đếm điểm số cho từng “tác phẩm”… đó là sự kiện các thầy LHU vào bếp trong Hội thi nấu ăn “Đầu bếp Lạc Hồng” vào ngày 8/3 vừa qua…
Hằng ngày trên giảng đường, cùng bảng đen và phấn trắng, thầy cô là linh hồn của lớp học, hình ảnh người thầy, người cô bao giờ cũng đẹp và cao quý trong mắt của biết bao thế hệ học trò. Rời bục giảng về với cuộc sống đời thường hình ảnh vốn đã đẹp ấy nay lại được tô thêm nhiều gam màu mới khi các thầy cùng nhau vào bếp.
Buổi sáng hôm ấy, cả khu bếp ăn tập thể của CB,GV,NV trở nên rộn ràng và náo nhiệt. Những tiếng cười giòn tan khi bếp này tán thưởng món ngon của bếp kia. Có thể nói rằng “Nếu Yan Can Cook có thể làm được thì các thầy Lạc Hồng cũng có thể làm được.”
Qua những sáng tạo của các bếp trưởng, những món ngon với âm hưởng của nhiều vùng miền lần lượt được bày ra trước mắt, thật khó mà hững hờ. Có bếp là bữa cơm gia đình ấm áp, có bếp là món ngon của 03 miền, có bếp lại mang hương vị đậm chất Nam Bộ, có bếp lại là sự kết hợp của Tây và Ta … Mỗi thành viên trong BGK đều là những gương mặt kỳ cựu với các cuộc thi như thế này. Theo nhận xét chân tình BGK: “Nhờ rút được kinh nghiệm của cuộc thi năm ngoái, năm nay các thầy đã có những kỉ năng và thao tác chuẩn bị chuyên nghiệp hơn. Điều đó đã gây nhiều bất ngờ và khó khăn trong việc chọn ra bếp xuất sắc nhất”
Người ta hay ví von nấu ăn là một nghệ thuật, người đầu bếp sẽ là nghệ sĩ tung hoành trong bao tử của thực khách. Tài nội trợ là một trong những tiêu chí để đánh giá “công, dung, ngôn, hạnh” của phái đẹp. Vô hình chung theo không gian và thời gian sự khéo léo của người phụ nữ đã níu giữ biết bao con tim và tấm lòng. Ngày nay đó lại là “tài lẻ” nhằm ghi điểm trong mắt các nàng của cánh mày râu, trở thành một trong những điểm cuốn hút của nam giới thời hiện đại. Quan điểm góc bếp nay không là của riêng ai, mà nơi đó là sự quan tâm chia sẽ, là đồng cảm và là cả yêu thương. Tại LHU, tình cảm ấy còn được các thầy nhân lên gấp bội. Và khi cùng vào bếp với giảng viên Lạc Hồng, chúng ta còn thấy được hình ảnh của người thầy được thiên biến vạn hóa giữa đời thường như thế nào. Rời cuộc thi, các thầy, các cô lại trở về với bục giảng, miệt mài dệt cho đời nhiều hương sắc mới và hình ảnh các thầy vào bếp đã trở thành món quà rất ý nghĩa trong niềm vui ngày 8/3 của toàn trường.
Gương mặt các bếp "giật giải" của hội thi