Theo UNESCO mục đích học tập là: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Nếu xem nhận định trên là một định nghĩa và đối chiếu định nghĩa này với nền giáo dục của Việt Nam ngày nay thì mục đích học tập của ta mới chỉ là học để biết, nghĩa là chỉ đạt được một trong bốn mục tiêu của UNESCO. Chính vì vậy khi sinh viên tham gia phỏng vấn tuyển dụng thường chỉ gây ấn tượng với nhà tuyển dụng bằng bằng cấp, khả năng chuyên môn, kinh nghiệm làm việc... Thế nhưng, bạn nên biết rằng năng lực của con người được đánh giá trên cả 3 khía cạnh: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Điều đó khẳng định rằng học không chỉ để biết mà học còn để làm việc, để chung sống và để tự khẳng định mình. Những năm gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng nhắc nhiều đến cụm từ “kỹ năng”, “kỹ năng mềm” và “kỹ năng cứng”.
Vậy thế nào là kỹ năng, kỹ năng mềm và kỹ năng cứng?
Kỹ năng là khả năng thực hiện một công việc nhất định, trong một hoàn cảnh, điều kiện nhất định, đạt được một chỉ tiêu nhất định. Các kỹ năng có thể là kỹ năng sống, kỹ năng mềm và kỹ năng nghề nghiệp. Mỗi người học nghề khác nhau thì có các kỹ năng khác nhau nhưng các kỹ năng sống và kỹ năng mềm là các kỹ năng cơ bản thì bất cứ ai làm nghề gì cũng nên có và cần phải có.
Kỹ năng mềm (soft skills) – trí tuệ cảm xúc: là thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người - thường không được học trong nhà trường, không liên quan đến kiến thức chuyên môn, không thể sờ nắm, càng không phải là kỹ năng cá tính đặc biệt mà phụ thuộc chủ yếu vào cá tính của từng người. Nhưng, kỹ năng mềm lại quyết định bạn là ai, làm việc thế nào, là thước đo hiệu quả cao trong công việc.
Ngược lại, kỹ năng cứng (hard skills) – trí tuệ logic: chính là khả năng học vấn của bạn, kinh nghiệm và sự thành thạo về chuyên môn. Những kiến thức đó dù học tốt tới đâu trong 4 - 5 năm đại học thì nó cũng chỉ là một phần nhỏ trong cái đại dương mênh mông kiến thức sau này của đời con người.
Thực tế cho thấy kỹ năng cứng tạo tiền đề, và kỹ năng mềm tạo nên sự phát triển. Người thành đạt chỉ có 25% là do những kiến thức chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm họ được trang bị. Chìa khóa dẫn đến thành công thực sự là bạn phải biết kết hợp cả hai kỹ năng này một cách khéo léo.
Làm thế nào để rèn luyện kỹ năng?
Sinh viên trước hết phải xác định rõ công việc mình muốn làm sau khi ra trường, sau đó phân tích xem đối với công việc đó, đâu là kỹ năng “cứng”, đâu là kỹ năng “mềm”. Chẳng hạn với vị trí nhân viên phòng Kinh doanh thì kỹ năng giao tiếp, thuyết phục khách hàng lại chính là kỹ năng “cứng”, hay chính là chuyên môn của nghề nghiệp. Nhưng với vị trí Lập trình viên máy tính thì đương nhiên đó là những kỹ năng “mềm”. Việc xác định rõ “mềm”, “cứng” và nhận ra điểm mạnh, điểm yếu, những mặt thiếu hụt của bản thân là yêu cầu đầu tiên và rất quan trọng để trau dồi kỹ năng “mềm”. Các bạn phải tập kỹ năng hàng ngày, cũng như tập viết, tập đọc thì mới nhuần nhuyễn được. Hãy nhớ rằng, xã hội ngày này là một xã hội thay đổi, cần sự uyển chuyển chứ không cần sự cứng nhắc.
Có những bạn sinh viên năng động, tự tìm kiếm các cơ hội để học tập trau dồi các kỹ năng mềm cho bản thân. Nhưng phần nhiều các bạn sinh viên chưa biết đến kỹ năng mềm cũng như chưa nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của kỹ năng mềm trong cuộc sống ngày nay, nên chỉ nghĩ rằng học thật giỏi là đủ và chắc chắn sẽ có một tấm vé khi vào đời, quan điểm này không sai nhưng chưa đủ. Bạn học giỏi chuyên môn, nhưng chưa chắc bạn có thể thích ứng nhanh với công việc hay sự thay đổi về “môi trường” cuộc sống. Bạn có thành tích học tập mà ai nhìn vào cũng thật đáng nể nhưng chưa chắc đã có được cảm tình với nhà tuyển dụng, đó là bạn đã thiếu một yếu tố quan trong đó là kỹ năng mềm. Bạn học không xuất sắc, nhưng bạn luôn mạnh dạn, tự tin trong bất kỳ tình huống thay đổi nào, bạn luôn đạt được kết quả tốt nhất, đó là bạn đã có kỹ năng mềm.
Tuy nhiên, kỹ năng mềm cần được nghiêm túc nhìn nhận là một quá trình tích lũy. Tân sinh viên dựa trên những khả năng của bản thân, mục tiêu trong tương lai để xây dựng lộ trình rèn luyện các kỹ năng qua mỗi năm học; từ đó đến khi ra trường, bạn sẽ tự tin với năng lực của mình cùng với bộ hồ sơ xin việc hoàn hảo.
Với sinh viên Trường Đại học Lạc Hồng bắt đầu từ năm 2013 các bạn sẽ được học một số kỹ năng mềm trong chương trình đào tạo chính khóa. Ngoài ra sinh viên có thể học thêm các kỹ năng mềm khác tại Trung tâm đào tạo kỹ năng mềm của trường. Tại đây, sinh viên sẽ được tư vấn để chọn học các kỹ năng cần thiết và phù hợp với bản thân cũng như định hướng nghề nghiệp của sinh viên. Các lớp học cũng được thiết kế rất linh hoạt về thời gian, địa điểm, giáo trình…nhằm tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên có thể theo học và đạt hiệu quả cao nhất.
Để hiểu rõ hơn về kỹ năng mềm, bạn có thể tham khảo các kỹ năng mềm đang được giảng dạy một số nước:
Tại Mỹ: có 13 kỹ năng cơ bản cần thiết để thành công trong công việc:
1. Kỹ năng học và tự học (learning to learn).
2. Kỹ năng lắng nghe (Listening skills).
3. Kỹ năng thuyết trình (Oral communication skills).
4. Kỹ năng giải quyết vấn đề (Problem solving skills).
5. Kỹ năng tư duy sáng tạo (Creative thinking skills).
6. Kỹ năng quản lý bản thân và tinh thần tự tôn (Self esteem).
7. Kỹ năng đặt mục tiêu/ tạo động lực làm việc (Goal setting/ motivation skills).
8. Kỹ năng phát triển cá nhân và sự nghiệp (Personal and career development skills).
9. Kỹ năng giao tiếp ứng xử và tạo lập quan hệ (Interpersonal skills).
10. Kỹ năng làm việc đồng đội (Teamwork).
11. Kỹ năng đàm phán (Negotiation skills).
12. Kỹ năng tổ chức công việc hiệu quả (Organizational effectiveness).
13. Kỹ năng lãnh đạo bản thân (Leadership skills).
Tại Úc các kỹ năng hành nghề bao gồm có 8 kỹ năng như sau:
1. Kỹ năng giao tiếp (Communication skills).
2. Kỹ năng làm việc đồng đội (Teamwork skills).
3. Kỹ năng giải quyết vấn đề (Problem solving skills).
4. Kỹ năng sáng tạo và mạo hiểm (Initiative and enterprise skills).
5. Kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức công việc (Planning and organising skills).
6. Kỹ năng quản lý bản thân (Self-management skills).
7. Kỹ năng học tập (Learning skills).
8. Kỹ năng công nghệ (Technology skills).
Tại Canada bao gồm 6 kỹ năng như:
1. Kỹ năng giao tiếp (Communication).
2. Kỹ năng giải quyết vấn đề (Problem solving).
3. Kỹ năng tư duy và hành vi tích cực (Positive attitudes and behaviours).
4. Kỹ năng thích ứng (Adaptability).
5. Kỹ năng làm việc với con người (Working with others).
6. Kỹ năng nghiên cứu khoa học, công nghệ và toán (Science, technology and mathematics skills).
Tại Anh cũng đưa ra danh sách 6 kỹ năng quan trọng bao gồm:
1. Kỹ năng tính toán (Application of number).
2. Kỹ năng giao tiếp (Communication)
3. Kỹ năng tự học và nâng cao năng lực cá nhân (Improving own learning and performance).
4. Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (Information and communication technology).
5. Kỹ năng giải quyết vấn đề (Problem solving).
6. Kỹ năng làm việc với con người (Working with others).
Tại Singapore đã thiết lập hệ thống các kỹ năng hành nghề gồm 10 kỹ năng:
1. Kỹ năng công sở và tính toán (Workplace literacy & numeracy).
2. Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (Information & communications technology).
3. Kỹ năng giải quyết vấn đề và ra quyết định (Problem solving & decision making).
4. Kỹ năng sáng tạo và mạo hiểm (Initiative & enterprise).
5. Kỹ năng giao tiếp và quản lý quan hệ (Communication & relationship management).
6. Kỹ năng học tập suốt đời (Lifelong learning).
7. Kỹ năng tư duy mở toàn cầu (Global mindset).
8. Kỹ năng tự quản lý bản thân (Self-management).
9. Kỹ năng tổ chức công việc (Workplace-related life skills).
10. Kỹ năng an toàn lao động và vệ sinh sức khỏe (Health & workplace safety).
kỹ năng mềm