Tin tức

Kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2018)

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đế quốc Pháp lại đẩy mạnh khai thác thuộc địa Đông Dương. Xã hội Việt Nam tiếp tục phân hóa sâu sắc. Giai cấp nông dân bị phá sản khốc liệt. Giai cấp tư sản dân tộc sinh sau đẻ muộn, bộc lộ sự non yếu về mọi mặt. Một bộ phận giai cấp tiểu tư sản toan phất ngọn cờ tư tưởng tư sản để tập hợp quần chúng xung quanh Việt Nam Quốc dân Đảng (thành lập tháng 12-1927). Nhưng vì bất lực cho nên sau cuộc bạo động non ở Yên Bái (đầu năm 1930) tổ chức đó tan rã, và ngọn cờ phản đế, phản phong, ngọn cờ giải phóng dân tộc chuyển hẳn về tay gai cấp vô sản.

Yêu cầu khách quan lúc này là giai cấp công nhân phải được tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lê-nin để trở thành giai cấp "Tự giác" vươn lên đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Đó cũng là lúc đồng chí Nguyễn Ái Quốc, tiêu biểu cho tinh thần yêu nước và cách mạng Việt Nam tìm gặp chân lý của thời đại mới.

Năm 1917, cách mạng Tháng Mười Nga thành công. Mặc dù bị đế quốc bưng bít, xuyên tạc, nhưng "nhân dân Việt Nam cũng thầm nghe nói rằng ở một góc trời xa xăm, có một dân tộc đã đánh đuổi được bọn bóc lột và hiện đang quản lý lấy đất nước mình mà không cần tới bọn chủ và bọn toàn quyền (lời Hồ Chủ tịch).

"Cho một bát vàng không bằng chỉ đàng làm ăn". Cách mạng Tháng Mười Nga đã giúp đồng chí Nguyễn Ái Quốc vượt qua sự hạn chế của chủ nghĩa yêu nước của các sĩ phu và của các nhà cách mạng có xu hướng tư sản đương thời. Sau này, phát biểu về cảm xúc của mình khi đọc "luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, của Lê-nin, Người viết: "Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ. Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta". (Hồ Chí Minh - vì độc lập tự do vì chủ nghĩa xã hội). Tháng 12-1920, tại Đại hội Tua, đồng chí Nguyễn Ái Quốc tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp và đồng thời là người Cộng sản Việt Nam đầu tiên.

 

Sớm nhận thấy vai trò lịch sử của giai cấp công nhân, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã đem hết tinh thần và nghị lực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, chuẩn bị về chính trị và tư tưởng cho sự ra đời của chính đảng vô sản ở Việt Nam. Hàng loạt bài viết của Người đăng trên các báo và tạp chí Người cùng khổ, Nhân đạo, Đời sống công nhân và cuốn sách nổi tiếng Bản án chế độ thực dân Pháp, trong suốt thời gian từ 1921-1926 đã chọc thủng tấm lưới thép của thực dân Pháp, được chuyển về Việt Nam, lôi cuốn đặc biệt những người cách mạng trẻ tuổi đầy nhiệt huyết ở nước ta đang khao khát con đường mới.

Tháng 12-1924, sau khi dự đại hội lần thứ năm Quốc tế Cộng sản, với bí danh là Lý Thụy, Người về Quảng Châu, điểm nóng của cách mạng Trung Quốc, và làm việc dưới danh nghĩa của phái bộ Bô-rô-đin, cố vấn Liên - Xô bên cạnh chính phủ Quốc Dân Đảng Trung Hoa.

Chính ở đây, ngày 19-6-1924, liệt sĩ Phạm Hồng Thái đã ném bom khách sạn Victory ở Sa-diện nhằm giết tên toàn quyền Méc-lanh trên đường công cán đang dự tiệc. Việc không thành, nhưng tấm gương của người anh hùng trên sông Châu như "chim én báo hiệu mùa xuân".

Tháng 6-1925, trên cơ sở tổ chức yêu nước của Phan Bội Châu và Tâm Tâm Xã, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thành lập tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội, trong đó hạt nhân là Cộng sản Đoàn (lúc đầu có 7 người, cuối 1926 đã có 24 người, tiêu biểu như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong...) Nhiều lớp huấn luyện chính trị được mở tại Quảng Châu để đào tạo cán bộ tung về nước hoạt động. Tuần báo Thanh niên từ tháng 6-1926 và đặc việt cuốn Đường cách mạng (xuất bản năm 1927) đã đề cập đến những vấn đề chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam được bí mật đưa về nước góp phần tích cực vào việc truyền bá tư tưởng xã hội chủ nghĩa ở trong nước.

Từ sau cuộc bãi công Ba Son (8-1925), phong trào công nhân đã vượt qua giai đoạn tự phát, bước vào giai đoạn tự giác.

Đặc biệt từ mùa xuân 1928, thực hiện chủ trương vô sản hóa, các hội viên của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội đã vào nhà máy, hầm mỏ, đồn điền để tuyên truyền và tổ chức công nhân. Địch phải thú nhận: năm 1929 có tới 43 cuộc bãi công lớn. Phong trào công nhân trên thực tế đã trở thành lực lượng chính trị nòng cốt cho phong trào giải phóng dân tộc.

Trong khi đó, phong trào yêu nước và dân chủ của tiểu tư sản sau thời kỳ phát triển bồng bột (như đòi tha cụ Phan Bội Châu tháng 12-1925, đám tang cụ Phan Chu Trinh tháng 3-1926)... đã dần dần thể hiện sự bất lực của tư tưởng tư sản và tiểu tư sản.

Phong trào Quốc gia cải lương, tiêu biểu là đảng Lập Hiến của Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long cũng đã từng bước đi vào con đường phản bội dân tộc, làm tay sai cho đế quốc.

Tình hình đó đòi hỏi cấp bách sự lãnh đạo của một đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Trong nội bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội, từ đầu 1929 đã diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa quan điểm vô sản và quan điểm tiểu tư sản xung quanh vấn đề thành lập Đảng cộng sản ở Việt Nam. Tư tưởng vô sản đã chiến thắng.

Tháng 3-1929, tại số nhà 5D phố Hàm Long (Hà Nội) Chi bộ cộng sản đầu tiên ra đời gồm 8 đồng chí: Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu...

Đầu tháng 6-1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội) 20 đại biểu cộng sản Bắc Kỳ quyết định lập Đông Dương Cộng Sản Đảng.

Mấy tháng sau, An nam Cộng sản Đảng ra đời tại Nam Kỳ (10-1929). Dưới ảnh hưởng của những sự kiện ấy, một tổ chức yêu nước, tiến bộ, thành lập ở Trung Kỳ giữa năm 1925, lấy tên là Tân Việt cách mạng Đảng, sau lại đổi tên là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (1-1930).

Như thế là đầu năm 1930 ở nước ta có 3 tổ chức đều tự nhận là cộng sản và đều tìm cách tranh thủ sự thừa nhận của Quốc tế Cộng sản. Trong khi tuyên truyền vận động quần chúng, ba tổ chức không khỏi công kích, tranh giành ảnh hưởng trong quần chúng.

Ngày 27-10-1929, Ban chấp hành Quốc tế cộng sản chỉ thị: "Nhiệm vụ quan trọng nhất và cấp bách nhất của tất cả những người cộng sản Đông Dương là thành lập một đảng cách mạng có tính chất giai cấp của giai cấp vô sản, nghĩa là một đảng cộng sản có tính quần chúng ở Đông Dương. Đảng đó phải chỉ có một và là tổ chức cộng sản duy nhất ở Đông Dương".

Ngày 3-2-1930 (mùng 5 tết Canh Ngọ) công nhân Phú Riềng chiếm đồn điền trong một ngày - Ngày Tự Do đầu tiên! Cũng ngày đấy, đồng chí Nguyễn ái Quốc với bí danh là Vương, thay mặt Quốc tế cộng sản chủ trì hội nghị thống nhất Đảng tại một ngôi nhà nhỏ xóm lao động thuộc Cửu Long gần Hương Cảng (Trung Quốc) gồm đồng chí Vương (Bác Hồ), đại biểu Đông Dương Cộng Sản Đảng (Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu), đại biểu An Nam Cộng Sản Đảng (Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu). Tân Việt mới chuyển thành cộng sản không kịp cử đại diện.

Thế là Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Hôm ấy, chính cương và sách lược vắn tắt do đồng chí Nguyễn ái Quốc thảo cùng với Điều lệ đảng được thông qua. Hội nghị còn cử Ban trung ương lâm thời đại diện cho 211 đảng viên của toàn Đảng.

Đảng ta ra đời là kết quả tất yếu của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của dân tộc vào cuối những năm 20 của thế kỷ này.

Đảng ta ra đời là một bước ngoặc vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Đảng ta ra đời là sự chuẩn bị tất yếu đầu tiên cho thời kỳ vùng dậy oanh liệt nhất và bước nhảy vọt vĩ đại nhất trong lịch sử tiến hòa của dân tộc Việt Nam.

Tháng 10-1930, tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ nhất, cùng với việc thông qua bản Luận cương Chính trị do đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng khởi thảo, Đảng ta mang tên mới là Đảng Cộng sản Đông Dương.

Ngay lúc đó, Đảng ta đã lãnh đạo cao trào 30-31 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Tháng 3-1935, sau cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp, tại Ma Cao (tô giới Bồ Đào Nha trên đất Trung Quốc) Đại hội lần thứ nhất của Đảng đã họp để chuẩn bị cho một cao trào mới.

Tháng 8-1945 chỉ với 5.000 đảng viên, Đảng ta đã lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công, mở ra kỷ nguyên độc lập tự don ở nước ta. Đó là kết quả vĩ đại của cả quá trình 15 năm đấu tranh kể từ khi Đảng ta ra đời (1930-1945).

Tiếp đó, Đảng ta lại lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954). Đảng ta ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tháng 2-1951, tại khu rừng thuộc xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng đã họp, nhằm đưa công cuộc Kháng chiến - Kiến quốc đến thắng lợi. Ngày 3-3-1951, Đảng ta ra hoạt động công khai với tên mới là Đảng lao Động Việt Nam, tổng số đảng viên đã lên đến 76 vạn đồng chí.

Giai đoạn 1954-1975 Đảng ta tiếp tục lãnh đạo dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến đấu đầy gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt chống Mỹ, cứu nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đồng thời giương cao hai ngọn cờ Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Qua cuộc đấu tranh vĩ đại ấy, lực lượng của Đảng lớn mạnh hơn bao giờ hết, vượt qua mọi thử thách hy sinh, thực sự là lực lượng tiên phong của cách mạng.

Tháng 9-1960, tại thủ đô Hà Nội, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ ba, đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà đã khai mạc trọng thể. Đại hội đã nhất trí thông qua đường lối đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại thành công, tháng 12-1976, trong không khí phấn khởi của đất nước vừa thống nhất, Đại hội Đảng lần thứ IV đã họp, nhằm vạch ra con đường đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Với đội ngũ trùng điệp 1 triệu 50 vạn đảng viên, Đảng ta trở lại với cái tên buổi đầu của mình là Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong quanh vinh của giai cấp và dân tộc, chuẩn bị đưa Tổ quốc ta đi tới những thắng lợi huy hoàng hơn nữa.

Tại trường Đại học Lạc Hồng, tổ chức Đảng cũng đã làm tốt chức năng lãnh đạo của mình trong công tác chung của nhà trường, chăm lo, giáo dục bãn lĩnh chính trị, tư tưởng các thế hệ đảng viên, sinh viên của trường giúp các thế hệ đảng viên, sinh viên an tâm học tập, công tác, nghiên cứu; Đảng ủy nhà trường liên tục nhiều năm liền được Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh công nhận là tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu.

Đảng ủy nhà trường luôn quan tâm đến chất lượng cơ sở Đảng

Thường xuyên đổi mới mô hình công tác Đảng

Đảng Ủy

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        3,879,139       2/487