Sáng ngày 05/03/2020 Đại học Lạc Hồng đã tiến hành Lễ khai mạc đợt đánh giá thử, rà soát chất lượng chương trình đào tạo đoàn chuyên gia của Tổ chức kiểm định các chương trình đào tạo kỹ thuật – công nghệ (gọi tắt là ABET) cho 2 chương trình đào tạo: ngành công nghệ thông tin và ngành công nghệ kỹ thuật điện- điện tử.
Đoàn chuyên gia của ABET thăm và tư vấn
chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn ABET tại ĐH Lạc Hồng
Từng bước theo đuổi chuẩn ABET
Sự kiện diễn ra trong 2 ngày (5 – 6/3) tại tòa nhà cơ sở 1 Đại học Lạc Hồng. Đoàn đánh giá do Tiến sĩ Scott Danielson – Giáo sư của trường ĐH Bang Arizona, chuyên gia giáo dục Dự án BUILD-IT làm trưởng đoàn. Về phía ĐH Lạc Hồng có sự hiện diện của TS. Đỗ Thị Lan Đài - Chủ tịch hội đồng quản trị, TS. Lâm Thành Hiển – Phó Hiệu trưởng thường trực cùng quý ông bà trong Ban giám hiệu, cán bộ, giảng viên 2 khoa có chương trình được đánh giá trong đợt này.
Đánh giá chương trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật Điện - điện tử...
Sau phiên khai mạc, đoàn đánh giá đã làm việc với từng bên liên quan để rà soát báo cáo tự đánh giá; trao đổi làm rõ các thông tin về chuẩn đầu ra, mục tiêu chương trình đào tạo, các phương pháp kiểm tra đánh giá sinh viên; và tham quan một số cơ sở vật chất của trường như thư viện, phòng lap, các phòng thực hành điện, trường quay,...
Đạt kiểm định chất lượng theo chuẩn ABET là một cam kết của nhà trường về việc đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của xã hội. Tuy nhiên, các chương trình đào tạo cần phải vượt qua nhiều thách thức để đạt được kiểm định ABET. Quá trình điều chỉnh khi thực hiện chuẩn bị kiểm định theo chuẩn ABET chính là quá trình điều chỉnh để sản phẩm giáo dục của LHU đáp ứng nhu cầu của xã hội.
... và chương trình đào tạo ngành Công nghệ thông tin
"...kiểm định chất lượng, điểm khởi đầu cho một quy trình khép kín, liên tục cải tiến"
Nhớ lại những ngày đầu theo đuổi chuẩn ABET, TS. Lâm Thành Hiển – Phó Hiệu trưởng thường trực trường ĐH Lạc Hồng, chia sẻ, để đạt được chuẩn ABET không hề đơn giản và phải chuẩn bị đồng bộ các điều kiện về chương trình đào tạo, quan hệ doanh nghiệp, kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng (một cách liên tục). Từ cuối năm 2015 trường đã lên chiến lược và kế hoạch kiểm định chất lượng quốc tế. Chuẩn AUN-QA và chuẩn ABET cho các ngành kỹ thuật, công nghệ. Nhà trường đã chuẩn bị chu đáo từ nhân sự, chương trình đào tạo và tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia là các giáo sư ĐH Mỹ, trong đó Tiến sĩ Scott Danielson – Giáo sư của trường ĐH Bang Arizona, chuyên gia giáo dục Dự án BUILD-IT đã hỗ trợ hướng dẫn nhiệt tình cho các chương trình. Nhà trường đã bàn bạc và thống nhất đề cử 2 chương trình tham gia: Công nghệ thông tin và Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử. Từ nhân sự là giảng viên các chương trình đến bộ máy quản lý nhà trường đều xem đây là mục tiêu quan trọng cần nhắm đến trong việc khẳng định chất lượng đào tạo của trường, nên mọi việc đều tiến hành khẩn trương và được sự ủng hộ tuyệt đối từ lãnh đạo nhà trường, mà cao nhất là Hội đồng Quản trị và Hiệu trưởng.
TS. Lâm Thành Hiển - Phó Hiệu trưởng thường trực (phải)
trình bày về công tác quản lý tại Trường
Theo TS. Đỗ Thị Lan Đài, kết quả kiểm định đạt được không phải là điểm đến cuối cùng của quá trình đảm bảo chất lượng mà nó là điểm khởi đầu cho một quy trình khép kín, liên tục cải tiến nhằm đảm bảo chất lượng và cam kết thực hiện những mục tiêu đã đề ra của trường. Mục tiêu của trường sau khi được công nhận kiểm định, không phải là sự hài lòng, tự mãn với kết quả đã đạt được mà phải là một chiến lược tổng thể, lâu dài về sự cam kết chất lượng của trường đối với người học, với xã hội. Phải liên tục rà soát và cải tiến chất lượng hoạt động của hệ thống trong quy trình đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ chế tự chủ tài chính và tự chủ hoạt động của trường, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, thông qua nhiều chương trình hợp tác về đào tạo, nghiên cứu.
Đạt chuẩn ABET có lợi gì?
Khi một chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định ABET, là chất lượng đào tạo của chương trình đã được thừa nhận trong phạm vi toàn cầu. Điều này gắn với xã hội rất có ý nghĩa, nhất là khi nền kinh tế của đất nước đang cần thu hút đầu tư của nước ngoài, việc kiểm định theo tiêu chuẩn của các hiệp hội ngành nghề tại Mỹ sẽ góp phần thu hút đầu tư thông qua việc khẳng định chất lượng đào tạo cho nguồn nhân lực. Theo học chương trình đạt chuẩn ABET, người học sẽ được thụ hưởng một chương trình đào tạo có chất lượng đáp ứng các yêu cầu nghề nghiệp. Các chương trình đạt chuẩn ABET phải thường xuyên nhận phản hồi từ các đối tượng liên quan như doanh nghiệp, cựu sinh viên... để luôn luôn cải thiện chất lượng của người học. Bên cạnh đó, người học sẽ có cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp cao hơn. Nhiều công ty nêu rõ ưu tiên tuyển dụng người làm tốt nghiệp từ các chương trình đã được kiểm định bởi ABET, cũng như người học sẽ nhận được những ưu đãi khi làm việc cho các công ty của Mỹ, hoặc khi thi các chứng chỉ nghề nghiệp của các tổ chức Mỹ.
Thầy trò và các doanh nghiệp đối tác với khoa Cơ điện- Điện tử
cùng nhà trường nuôi khát vọng đạt chuẩn kiểm định ABET
Cũng vì những lợi ích 3 bên “nhà trường - doanh nghiệp - người học” ĐH Lạc Hồng quyết tâm đặt mục tiêu có chương trình đạt chuẩn ABET trong thời gian tới.
Một số hình ảnh của sự kiện
chuẩn kiểm định, ABET, rà soát, doanh nghiệp, nhà trường, sinh viên