Tin tức

Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam

Không chỉ là người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam, suốt cuộc đời làm cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng hơn 100 bút danh, hàng nghìn bài báo các loại, gần 300 bài thơ và khoảng 500 trang truyện và ký. Không chỉ có vậy, di sản báo chí mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại còn là những bài học, những lời căn dặn cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Tròn 110 năm trước, năm 1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước. Trong quá trình lao động, học hỏi và giác ngộ cách mạng, Bác bắt đầu quan tâm đến một phương tiện thông tin phổ biến, nhiều tác dụng là báo chí.

Cuối năm 1917, khi trở lại Pháp, tuy vốn ngôn ngữ chưa đủ để viết báo nhưng với tinh thần quyết tâm cao, Bác Hồ tự học tiếng và học làm báo. Những ngày đầu, Người được Longuet - cháu ngoại của Karl Marx, làm việc ở báo Sinh hoạt công nhân - nhiệt tình chỉ dẫn nghiệp vụ báo chí đơn giản. Từ những mẩu tin, bài, tư liệu tản mạn có chủ đề nhỏ, Bác viết thành các bài có chủ đề lớn, tập trung. Những bài viết của Bác đăng trên báo cánh tả là các báo có ngân quỹ ít ỏi nên hầu như không có nhuận bút, nhưng lại mang ý nghĩa tinh thần rất lớn. Vì vậy, ban ngày Bác đi làm, tối tham gia mít tinh, biểu tình, vận động cách mạng, đêm lại vẫn ngồi cặm cụi viết báo.

Ngày 28.6.1919, hội nghị các nước thắng trận trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất khai mạc tại Versailles. Thay mặt những Việt kiều, Bác viết và gửi đến hội nghị bản yêu sách 8 điểm đòi quyền lợi cho nhân dân Việt Nam. Đây cũng là bài viết nổi tiếng đầu tiên của Bác Hồ được cơ quan ngôn luận Đảng Xã hội Pháp đăng dưới nhan đề Quyền các dân tộc. Trong bài này, Người đã đưa ra 8 yêu sách thiết thực, đấu tranh đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền độc lập tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam, trong đó có cả quyền tự do tư tưởng và tự do báo chí...

Năm 1921, Bác Hồ (với tên Nguyễn Ái Quốc) cùng một số chính khách thành lập Hội Liên hiệp Thuộc địa và năm 1922 lập ra Le Paria (Người cùng khổ) là cơ quan ngôn luận của Hội. Le Paria với số đầu xuất bản ngày 1.4.1922 đã thể hiện tinh thần đoàn kết và giải phóng con người. Nguyễn Ái Quốc trở thành nòng cốt của tờ báo với 38 bài viết, vừa là biên tập viên chính, vừa là phóng viên, nhiếp ảnh viên kiêm việc tổ chức, quản lý, phát hành.

Tháng 11.1924, Bác Hồ được Quốc tế Cộng sản phân công về Quảng Châu (Trung Quốc), tổ chức huấn luyện cán bộ cách mạng, thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, với Báo Thanh niên là cơ quan ngôn luận. Báo Thanh niên số 1 ra ngày 21.6.1925, đến tháng 4.1927 ra đều đặn được 88 số (kỳ) bằng tiếng Việt tại số nhà 13A, đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc, in trên giấy sáp. Người đã trực tiếp chỉ đạo, biên tập, trình bày và viết nhiều bài chính luận sắc bén. Báo chuyển về nước bằng đường thủy, tới các tổ chức cảm tình của Hội, các chi bộ, các cơ sở Việt kiều ở Pháp, Thái Lan, Nga. Tháng 12.1926, Bác Hồ lập ra báo Công nông cho giai cấp công nhân và nông dân nước ta.

Tháng 1.1927, báo Lính kách mệnh (tiền thân của báo Quân đội nhân dân ngày nay) dành cho đội ngũ chiến sĩ cách mạng cũng được Bác Hồ sáng lập. Các báo này đều xuất bản chủ yếu bằng tiếng Việt, nhưng còn có cả một số tin, bài bằng tiếng Hán, Pháp, Anh... hình thức mới mẻ mà gần gũi, nội dung phong phú nhưng luôn bám sát các chủ trương, mục tiêu cách mạng.

Từ ngày 3 đến ngày 7.2.1930, tại Hồng Kông (lúc đó là thuộc địa của Anh, nay trở lại với Trung Quốc), Bác Hồ trực tiếp tổ chức, chỉ đạo Hội nghị thống nhất các đảng phái, phong trào cộng sản ở Việt Nam để thành lập một đảng mới với tên Đảng Cộng sản Việt Nam, quyết định đình bản những tờ báo riêng rẽ của các tổ chức đảng trước đây, còn lại cho xuất bản báo Tranh đấu và tạp chí Đỏ, những số đầu phát hành vào tháng 8.1930. Trong thời kỳ này, với nhiều bút danh khác nhau, Bác Hồ còn cộng tác với các báo tiến bộ trong nước, đồng thời viết hàng loạt bài cho những tờ báo cách mạng nổi tiếng thế giới: L' Humanité (Nhân đạo) của Đảng Cộng sản Pháp, La Vie d'Ouvriers (Đời sống thợ thuyền) của Liên đoàn Lao động Pháp, Mezdunarodnaia Telegramma (Điện tín Quốc tế) của Quốc tế Cộng sản III, Pravda (Sự thật) của Đảng Cộng sản Liên Xô...

Những bài học để lại cho báo chí cách mạng

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp phát triển báo chí cách mạng Việt Nam và việc đào tạo đội ngũ cán bộ làm báo. Bằng chính kiến thức và kinh nghiệm của mình, Bác tận tâm chỉ dẫn nghiệp vụ cho các nhà báo như một đồng nghiệp, một người bạn, người anh, người thầy.

Ngày 17.8.1952, trong buổi nói chuyện tại trường Chỉnh Đảng Trung ương ở rừng Việt Bắc, Bác Hồ đã nêu rõ 4 vấn đề cơ bản trước những cán bộ báo chí: “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?” và đưa ra cách giải quyết cặn kẽ, phù hợp các vấn đề đó.

Tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam tháng 9.1962, Bác Hồ cũng thẳng thắn phê bình những khuyết điểm của báo chí nước nhà bấy giờ: “Bài báo thường quá dài, “dây cà ra dây muống”, không phù hợp với trình độ và thời gian của quần chúng...”, “Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta...”, “Đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng...”, “Thiếu cân đối: Tin nên dài thì viết ngắn, nên ngắn thì viết dài, tin để sau thì để trước, nên trước lại để sau...”... Nhưng Người cũng luôn khẳng định giá trị to lớn của báo chí: “Báo chí là công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức, lãnh đạo...”, “Báo chí là vũ khí sắc bén, nhanh nhạy, đại chúng, phục vụ kịp thời...”. 

Bác Hồ đã nêu rõ 4 vấn đề cơ bản trước những cán bộ báo chí: “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?”. Từ lời dạy của Bác, người làm báo hôm nay có thể đúc rút được một số bài học như sau:

Thứ nhất, viết báo phải có căn cứ: Người viết báo phải có trách nhiệm cao trước nội dung bài báo của mình, phải có căn cứ để thuyết phục. Không được vội vàng mới nghe qua đã viết, không được chủ quan, suy đoán, mà phải có điều tra, nghiên cứu kỹ.

Thứ hai, viết cho sát đối tượng: Bài báo phải có cơ sở thực tiễn và khoa học mới đạt được tính thuyết phục cần thiết cho đối tượng.

Thứ ba, viết ngắn gọn, giản dị: Phải đi thẳng vào nội dung, không lan man khoe chữ làm ra vẻ nhiều kiến thức.

Thứ tư, viết sinh động, lôi cuốn: Đây là một nhu cầu thường xuyên để thu hút người đọc.

Thứ năm, viết thẳng thắn, có tính chiến đấu: Làm báo là tham gia vào cuộc đấu tranh tư tưởng bằng những thông tin chọn lọc, có căn cứ, phê bình những thói hư tật xấu trong sinh hoạt xã hội và xây dựng đạo đức mới. Việc này đòi hỏi người viết báo phải có bản lĩnh nghề nghiệp, dám bảo vệ cái đúng, không uốn cong ngòi bút.

Thứ sáu, khiêm tốn sửa bài của mình: Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, hoạt động báo chí của mình, do luôn nắm vững đối tượng và mục đích viết nên Người “viết gì cũng đưa cho một đồng chí xem lại, chữ nào khó hiểu thường các đồng chí bảo cho mình sửa”.

Thứ bảy, điều nhất thiết là cán bộ báo chí phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng: Bác Hồ - với tư cách là một nhà báo cách mạng luôn đòi hỏi nhà báo cách mạng không chỉ có bản lĩnh chính trị vững vàng mà còn phải có đạo đức tốt và trong sáng.

96 năm trôi qua, báo chí cách mạng đã có sự lớn mạnh, phát triển không ngừng. Nhưng dù với công nghệ nào thì những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với báo chí vẫn còn nguyên giá trị và là kim chỉ nam cho hoạt động báo chí nước nhà.

 

Đoàn - Hội Sinh viên

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        14,014,669       1/567