Tin tức

Tôi mong muốn sinh viên “sống” được bằng đam mê

Tôi mong muốn sinh viên “sống” được bằng đam mê

TÔI MONG MUỐN SINH VIÊN “SỐNG” ĐƯỢC BẰNG ĐAM MÊ

TS. Phạm Văn Toản - Trưởng khoa Cơ điện - Điện tử luôn muốn sinh viên của mình hiểu rằng, chỉ có thực sự đam mê, dấn thân và trải nghiệm mới “sống” tốt được bằng nghề.

Hệ thống in và sấy logo được Tổng LĐLĐ Việt Nam khen thưởng

Làm việc tại Trường Đại học Lạc Hồng từ năm 2004, thầy giáo Phạm Văn Toản vừa làm công tác quản lý, vừa thực hiện các dự án cải tiến máy cho doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp trong nước. Trong hơn 10 năm, thầy Toản đã nghiên cứu cải tiến máy cho khoảng 30 doanh nghiệp với trên 50 sáng kiến cải tiến được áp dụng.

“Nhu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như doanh nghiệp trong nước là liên tục cải tiến để thay thế công đoạn thủ công bằng máy, giảm chi phí nhân công, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn” - thầy Phạm Văn Toản chia sẻ về công việc chuyển giao công nghệ của mình.

Gần đây, sáng kiến “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo hệ thống tự động in và sấy logo Megasun” do thầy và cộng sự thực hiện đã được Tổng LĐLĐ Việt Nam lựa chọn là 1 trong 130 sáng kiến tiêu biểu của chương trình “75.000 sáng kiến vượt khó, phát triển”.

BẢN THÂN NGƯỜI THẦY PHẢI SÁNG TẠO VÀ GIÀU TRẢI NGHIỆM

Sáng kiến bắt đầu từ đơn đặt hàng của Công ty TNHH Megasun Việt Nam, một doanh nghiệp cung cấp số lượng lớn sản phẩm sử dụng năng lượng mặt trời cho các công trình dân dụng và công nghiệp.

Tuy công ty đã nhập về một số lượng lớn máy và thiết bị nhưng còn nhiều quy trình chưa thể tự động hóa vì chưa có phương án áp dụng. Trong đó công đoạn in và sấy logo còn được làm thủ công.

Công đoạn này sử dụng 3 - 4 công nhân (gồm 1 người in, 1 người giữ, 2 người bê đỡ sản phẩm). Số lượng sản phẩm làm ra mỗi ngày khoảng 100 tấm và phụ thuộc vào sức khỏe, kinh nghiệm của công nhân. Trung bình để in và phơi 5 sản phẩm, mỗi công nhân mất 20 phút, chưa kể phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, độ ẩm và nhiệt độ của từng ngày khác nhau.

Tôi mong muốn sinh viên “sống” được bằng đam mê

TS. Phạm Văn Toản tại một hội thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh Đồng Nai năm 2018

Việc làm thủ công như vậy dễ phát sinh lỗi như in logo bị lệch do công nhân ước lượng bằng mắt thường nên độ chính xác thấp, chất lượng sản phẩm in ra không đạt do in mực bị lem, độ dày mỏng của mực không đều nhau. Đồng thời phải sử dụng một loại hóa chất đặc biệt dùng để xóa mực và in lại ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động khi tiếp xúc trực tiếp. Công nhân cũng dễ bị thương trong quá trình di chuyển do vật tư có các mép rất sắc.

Tuy đây chỉ là công đoạn nhỏ nhưng lại ảnh hưởng khá lớn đến các công đoạn khác trong quy trình sản xuất.

Nhóm tác giả đã đưa ra nhiều ý tưởng để giải “bài toán” này. Việc đầu tiên là phải thiết kế cơ cấu thay khuôn in cho nhiều kích cỡ. Sau nhiều lần thử nghiệm và sáng tạo, nhóm nghiên cứu đã thực hiện thành công cụm cơ cấu in đạt yêu cầu và giải quyết được vấn đề va chạm với các cụm cơ cấu khác khi máy hoạt động. Hệ thống hoạt động với độ chính xác cao, khắc phục được vấn đề in lệch, in lỗi và in không đều mà công ty đề ra.

Tôi mong muốn sinh viên “sống” được bằng đam mê

Đưa hệ thống vào sấy thử nghiệm tại doanh nghiệp

“Thời gian nghiên cứu hệ thống này dài hơn so với yêu cầu doanh nghiệp đặt ra do đây là lĩnh vực mới. Ngay cả khi đưa hệ thống vào sấy thử nghiệm cũng gặp nhiều vấn đề. Khó nhất là phải cân chỉnh hệ thống đảm bảo công suất và nhiệt độ trên chất liệu phù hợp. Cải tiến phải đem lại lợi ích về thời gian và không gian. Bên cạnh yêu cầu mang lại năng suất, chất lượng, hệ thống còn phải đảm bảo tính an toàn. Do đó, chúng tôi phải rút kinh nghiệm nhiều lần, tích hợp các công năng mới đưa ra được sản phẩm hoàn thiện” – thầy Phạm Văn Toản chia sẻ.

Tôi mong muốn sinh viên “sống” được bằng đam mê

Tôi mong muốn sinh viên “sống” được bằng đam mê

Tôi mong muốn sinh viên “sống” được bằng đam mê

Tôi mong muốn sinh viên “sống” được bằng đam mê

Hệ thống tự động in và sấy logo Megasun từ thiết kế đến ứng dụng vào quy trình sản xuất của doanh nghiệp.

MUỐN SINH VIÊN BIẾN ĐAM MÊ THÀNH CÁC SẢN PHẨM ỨNG DỤNG

Theo thầy Toản, cải tiến máy khó hơn nhiều so chế tạo máy theo đơn đặt hàng và việc nâng cấp các phiên bản máy.

Doanh nghiệp chỉ đưa ra một yêu cầu, đó là biến công đoạn thủ công thành quy trình tự động kèm theo đòi hỏi khắt khe về chất lượng, công năng kỹ thuật. Việc đó tương tự như phải bắt đầu từ “con số 0” lên thang điểm 100 vậy.

“Có những vấn đề chúng tôi thường xuyên gặp phải như khi thiết kế xong, chiếc máy lớn quá so với thực tế. Không ít chi tiết chưa phù hợp, trong khi tính toán lý thuyết thì đáp ứng được, nhưng đưa vào ứng dụng lại không giải quyết được. Khi đó, tôi đã tìm kiếm ý tưởng từ cộng sự, cùng làm đi làm lại, thay đổi cơ cấu, tìm phương án tối ưu. Làm sai, tự sửa đến khi tạo ra sản phẩm hoàn thiện mới thôi” - thầy Phạm Văn Toản cho biết.

Tôi mong muốn sinh viên “sống” được bằng đam mê

TS. Phạm Văn Toản cùng Đoàn công tác Trường Đại học Lạc Hồng tại Nhật Bản

Tuy nhiên, lĩnh vực nghiên cứu, chuyển giao cũng có “sự thú vị” riêng của nó. Chính yêu cầu, đòi hỏi về độ chính xác, độ bền, năng suất đã rèn luyện tính kiên trì cho người thực hiện. Nhất là với sinh viên, quá trình tham gia nghiên cứu, chuyển giao sẽ rèn luyện cho các em đức tính bền bỉ và sẵn sàng thích nghi với môi trường làm việc.

Khoa Cơ điện - Điện tử cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi giúp sinh viên có thêm nhiều trải nghiệm thực tế.

“Nhà trường luôn tạo điều kiện để các em tiếp cận và hiểu biết nhiều nhất về nghiên cứu, chuyển giao. Sinh viên được tham gia nhiều dự án do thầy cô làm chủ nhiệm. Được trải nghiệm từ những cuộc thi nhỏ nên các em rất tự tin. Mỗi học kỳ, khoa Cơ điện - Điện tử đều tổ chức các cuộc thi dành cho sinh viên. Gần đây nhất là cuộc thi về nghiên cứu thiết kế và điều khiển PLC. Sinh viên rất thích thú, thường xuyên đến xưởng thực hành và yêu thích lĩnh vực này” – thầy Toản chia sẻ.

Tôi mong muốn sinh viên “sống” được bằng đam mê

TS. Phạm Văn Toản cùng sinh viên Khoa Cơ điện - Điện tử

Trên cương vị quản lý, thầy Phạm Văn Toản yêu cầu giảng viên trong Khoa xây dựng chương trình đào tạo hằng năm đều có nội dung trải nghiệm cho sinh viên. Thầy cũng đề xuất với nhà trường khuyến khích sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp bằng sản phẩm thực tế thay cho lý thuyết. Đồng thời đề nghị các bộ phận tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, hướng dẫn sinh viên kỹ năng phỏng vấn, kỹ năng viết bản tóm tắt quá trình học tập, bằng cấp, kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm làm việc (CV) và huấn luyện các tác phong cho sinh viên.

Là người thầy, TS. Phạm Văn Toản hạnh phúc nhất là khi sinh viên ra trường có việc làm đúng chuyên ngành và có thu nhập ổn định. Thậm chí, ngay khi ngồi trên ghế nhà trường, các em đã được doanh nghiệp nhận vào làm việc. Thầy đã giúp sinh viên hiểu rằng, bằng đam mê, dấn thân và trải nghiệm, các em chắc chắn sẽ đạt được thành công trong cuộc sống.

 

 

Cuộc sống an toàn

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        8,334,087       1/555