Tin tức

Người mê sáng chế cơ khí

Vốn tiếp xúc với lĩnh vực cơ khí từ nhỏ, lớn lên lại học ngành cơ điện - điện tử và là giảng viên Khoa Cơ điện của Trường đại học Lạc Hồng nên ông Ngô Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất Quyết Thắng (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) khá thành công trong lĩnh vực chế tạo. Các sản phẩm của doanh nghiệp ông nghiên cứu chế tạo đều mang tính ứng dụng cao

Ông Ngô Thanh Bình (bên phải) cùng cộng sự kiểm tra một hệ thống tự động hóa.
Ông Ngô Thanh Bình (bên phải) cùng cộng sự kiểm tra một hệ thống tự động hóa.

Năm 2015, ông Bình cùng 2 người bạn là Nguyễn Duy Kiếm và Ngô Ngọc Lâm đứng ra mở doanh nghiệp để khai thác những lợi thế của mình.

Từ chuyện tỏi đen

Cho đến hiện tại, đã có khá nhiều các loại máy phục vụ công nghiệp, dân dụng được công ty ông Bình nghiên cứu và chuyển giao. Trong đó, 2 sản phẩm làm ông Bình nhớ nhất là máy làm tỏi đen và máy nấu rượu. Ông Bình kể, năm 2012 khi bắt đầu có phong trào làm tỏi đen, ông được một đơn vị ở ngoài Bắc đặt hàng nghiên cứu sản xuất máy làm nên loại tỏi này cho họ.

 Sau nhiều tháng nghiên cứu tài liệu và tính toán kỹ thuật, ông Bình và cộng sự đã hoàn thiện được chiếc máy làm tỏi đen. Trớ trêu thay, chiếc máy chỉ làm được thành phẩm là... tỏi nâu chứ không phải tỏi đen. Chỉnh đi chỉnh lại nhiều lần không được, ông đành phải bỏ chiếc máy và bắt tay thiết kế lại làm lại máy khác. Chiếc máy thứ 2 ra được thành phẩm tỏi đen nhưng chất lượng lại không đảm bảo, tỏi bị thối, mùi hôi bốc khắp nhà. Phải đến máy thứ 3, ông Bình mới cho ra được sản phẩm tỏi đen. Ông Bình chia sẻ: “Ra được sản phẩm rồi giao máy cho khách tôi vẫn còn hồi hộp, chỉ khi họ đi kiểm định thành phẩm thấy đạt, lúc đó tôi mới an tâm. Qua mấy phiên bản, nay máy đã rút ngắn thời gian ủ tỏi xuống khá nhiều, từ 50 ngày xuống còn hơn 20 ngày/mẻ, mỗi mẻ cho ra 30kg sản phẩm”.  

Làm máy nấu rượu

Nhắc về chiếc máy nấu rượu, ông Bình cho hay có lần đi mua rượu thấy mùi rượu hơi khác ông Bình hỏi ra mới biết rượu bị khê. Nguyên nhân của rượu khê là do người nấu canh lửa không tốt, về nhà ông cứ băn khoăn về việc chế tạo máy nấu rượu sẽ khắc phục được việc khê. Một thời gian sau đó, ông bắt tay vào nghiên cứu để sản xuất ra chiếc máy này.

Gần 1 năm “đánh vật” với chiếc máy, cuối cùng ông cũng hoàn thành. Ông Bình cho biết về cơ bản người nấu rượu vẫn phải nấu cơm và ủ men như truyền thống, chỉ khác là khi nấu thay vì người nấu thì máy nấu. “Tôi làm công việc chuyển từ lửa sang điện và ứng dụng hệ thống tự động hóa vào để có thể canh được nhiệt độ tối ưu. Máy có thể giữ nhiệt để giảm chi phí điện” - ông Bình nói. Buổi tối đi làm về chỉ việc đổ nguyên liệu vào máy và bấm nút, sáng mai là có rượu không phải canh suốt mấy tiếng bên bếp lửa. Cũng theo ông Bình, rượu ngon hay không còn tùy vào mỗi gia đình có bí quyết ủ men. Hiện công ty ông đã cung cấp hơn 20 chiếc máy cho các lò rượu ở các tỉnh miền Tây.

Từ thành công ở những sản phẩm này, ông Bình nhận được đơn đặt hàng nghiên cứu chế tạo các loại máy, như: chưng cất tinh dầu, máy làm sữa đậu nành…, khi bàn giao đều được khách hàng đánh giá cao. Ngay cả những khách hàng khó tính như doanh nghiệp Nhật Bản cũng chấp nhận sản phẩm của công ty ông. 

Báo Đồng Nai

Chuyện làm ăn làm giàu:


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        9,965,826       0/1,182,038